MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháng 6 Việt Nam tăng xuất giảm nhập mạnh từ Trung Quốc

...Nhưng, chưa thể kết luận xu hướng giảm nhập khẩu là do tác động yếu tố chính trị.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 7,4 tỷ USD, tăng 20%; Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 19,87 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng tháng 6, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD, tăng 1,1%; nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc 3,47 tỷ USD, tăng 15,7% so với tháng 6/2013. Tuy nhiên, so với tháng 5, trong tháng 6 xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc giảm 1,6%; chiều ngược lại Việt Nam đã giảm nhập khẩu từ Trung Quốc đến 13,5%.

Dẫu vậy, diễn biến trong tháng 6/2014 chưa thể kết luận là do ảnh hưởng của yếu tố chính trị do cùng kỳ năm trước, nhập khẩu tháng 6/2013 đã giảm đến 16,8% so với tháng 5/2013.

Việt Nam đã xuất gì nhập gì từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm ?

Đối với xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường chính  yếu của các nhóm mặt hàng như: Sắn, các sản phẩm từ sắn; quặng và khoáng sản; cao su; than đá; Xơ sợi dệt các loại; gạo; hàng rau quả; máy vi tính, SP điện tử và linh kiện khác.

Xét về nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn, trong tháng 6 ngoại trừ dầu thô, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, các mặt hàng khác tăng khá so với tháng trước. Cụ thể:

Xuất khẩu máy vi tính, SP điện tử và linh kiện khác sang Trung Quốc tăng 2% so với tháng trước (cùng kỳ năm trước giảm 1,69%); Xơi sợi dệt các loại tăng 3,8%; cao su tăng 22,3%; Sắn và sản phẩm sắn tăng 10,56%; Rau quả tăng 66,8%; hàng dệt may tăng 22,3%; Giày dép các loại tăng 19,4%; máy móc thiết bị phụ tùng tăng hơn 22%; Gạo giảm 26,4%; Dầu thô giảm 14% về lượng và 13,6% về giá trị; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 10,3%....

Đối với nhập khẩu, có đến 22 nhóm hàng hóa Việt Nam phải nhập khẩu của Trung Quốc đáp ứng từ 20 – 70% nhu cầu hàng nhập khẩu trong nước. Trong đó có 10 nhóm hàng có thể coi Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc khi thị trường này đáp ứng hơn 40% nhu cầu như: Điện thoại các loại và linh kiện (nhập để xuất là chủ yếu – nhập từ Trung Quốc đến 79% nhu cầu); Nguyên phụ liệu dược phẩm (59,4% từ TQ); Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (58%); Sắt thép các loại (57,6%);Thuốc trừ sâu và nguyên liệu (54,6%); Khí đốt hóa lỏng (52,3%)...

Tuy nhiên, sự tăng giảm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trong tháng 6 so với tháng trước đó có tính chu kỳ lặp lại hàng năm.

Xét về mặt hàng nhập khẩu có giá trị lớn, trong tháng 6 máy móc thiết bị phụ tùng (+3,75%); điện thoại các loại và linh kiện (-17%, cùng kỳ giảm 20%); vải các loại (-16,8%, cùng kỳ giảm 25,7%); máy vi tính, SP điện tử, linh kiện khác (+5,3%, cùng kỳ giảm 20%); sắt thép các loại (-80%, cùng kỳ giảm 22%)..

Một số tổ chức nghiên cứu quan ngại về khả năng trả đủa thương mại của Trung Quốc với Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá tác động này nếu có sẽ không lớn, đáng quan ngại. Bởi, quan hệ giao thương giữa Việt Nam – Trung Quốc đang mang lại thặng dư thương mại cho Trung Quốc hơn 12% tổng thặng dư thương mại hàng năm của Trung Quốc. Ngoài ra, quan hệ thương mại với Trung Quốc chủ yếu là khối tư nhân, khối DNNN bị tác động nếu có sẽ rất hạn chế, trong khi  tác động đến khối FDI có thể xảy ra nhưng xác suất nhỏ và tác động cũng không quá lớn như ta lo ngại.

Một chiều hướng tích cực hơn là việc Việt Nam chủ động tìm thị trường xuất khẩu mới, tìm nguồn nguyên vật liệu, phụ liệu từ các thị trường mới (có thể) để nhập khẩu thay thế, giảm dần sự phụ thuộc của mình vào Trung Quốc.

>>

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên