MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoát nghèo bằng... cầu may!?

Có những tỉnh như Hậu Giang, Vĩnh Long nguồn thu từ xổ số lên tới 46-48% tổng thu ngân sách địa phương!!!

Từ năm 2007-2012, tốc độ tăng trưởng doanh thu và nộp ngân sách bình quân trên 15%/năm. Riêng năm 2012, doanh thu toàn ngành là gần 54.000 tỉ đồng.

Các đại lý trong ngành hưởng khoảng 12-13% doanh số, tức gần 6.500 tỉ đồng. Sau khi trừ 15% chiết khấu lại cho lao động phổ thông, thu nhập còn lại của các đại lý sẽ vào khoảng 5.500 tỉ đồng.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và là một chuyên gia nghiên cứu về tài chính khu vực công - cho biết, nguồn thu từ “ngành kinh tế” này đã đóng góp không nhỏ vào ngân sách của một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Chẳng hạn, ước tính bình quân giai đoạn 2008-2010, hơn 27% tổng thu ngân sách nhà nước của các địa phương đến từ nguồn này.

Đây là những số liệu được công bố trên một tờ báo điện tử về một thứ, tạm gọi là “ngành kinh tế”.

Ngành gì đang mang lại khoản thu hàng chục ngàn tỉ đồng? Đóng vai trò nguồn thu không khác gì thuế? Nuôi sống khoảng 30 vạn lao động? Thậm chí chiếm tỉ trọng thu rất ấn tượng với không ít địa phương? Xin thưa, đó là ngành xổ số. 

Có 2 chi tiết cực đắt xung quanh ngành xổ số: Có những tỉnh như Hậu Giang, Vĩnh Long nguồn thu từ xổ số lên tới 46-48% tổng thu ngân sách địa phương!!! Thậm chí, số thu tuyệt đối lẫn tương đối từ nguồn xổ số của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn lớn hơn so với các tỉnh có trình độ phát triển cao hơn như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chỉ một thập kỷ, chưa có ngành nào phát triển nhanh như xổ số với cơ cấu hiện tại là tỉnh nào cũng mở số, ngày nào cũng quay số. Nếu cần thì phải nói thêm rằng có khi chỉ bán ra chừng 30% lượng vé in, tức 70% số vé phải hủy, thì tất cả các công ty xổ số đều lãi lớn. Nhưng sự gia tăng chỉ số phần trăm trong nguồn thu từ xổ số và chính sách đẩy mạnh hoạt động xổ số của các địa phương đang cho thấy tình trạng rất xấu khi ngân sách địa phương đang phụ thuộc không nhỏ vào “cờ bạc”, dù là một thứ cờ bạc hợp pháp.

Đã có nhiều người dân không biết làm gì hoặc cố cũng không thể thoát nghèo, và tự tâm họ cho rằng chỉ có thể thoát nghèo bằng cách cầu may. Hóa ra, cả một số chính quyền địa phương và không ít người dân đều đang nhìn xổ số như một “cứu cánh”.

Nguồn thu này liệu có bền vững khi người đóng góp con số 54.000 tỉ hằng năm, một cách hoàn toàn tự nguyện, chính là người dân? Rất khó. Bởi ước mơ trúng số độc đắc thì vô hạn nhưng tiền túi người dân là hữu hạn. Chẳng phải Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi vừa có nhận định: “CPI, tức chỉ số giá tiêu dùng, không tăng vì dân không còn tiền để chi tiêu”, trước tình trạng “sức mua đã cạn kiệt”. 

Ấy thế mà bây giờ, trong khi không còn tiền để đi chợ, người dân chiều chiều vẫn đang được ru ngủ bởi giấc mơ “độc đắc” để chiều chiều nhặt nhạnh những đồng xu cuối cùng mua những tờ vé số, sống trong mơ ước cho đến 18h, khi ở đâu đó vang lên điệu nhạc “chắc trượt, chắc chắc trượt”!  
Theo Đào Tuấn

thunm

Báo lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên