MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng sẽ quyết tất cả dự án dùng vốn ODA

Ban hành nghị định mới nhằm quản lý chặt hơn việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển, vốn vay ưu đãi...

Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Nghị định trên nhằm thay thế Nghị định số 38/2013 của Chính phủ, với mục tiêu ngày càng quản lý chặt chẽ hơn việc sử dụng các nguồn vốn này.

Lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA

Nghị định mới nêu rõ, các lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường thể chế quản lý nhà nước; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) và một số lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng.

Nghị định quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 17 của Luật Đầu tư công.

Còn thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 17 của Luật Đầu tư công.

Thủ tướng sẽ quyết định chủ trương đầu tư đối với các chương trình, dự án sau:

- Các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.

- Chương trình, dự án, phi dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp chương trình, dự án đầu tư nhóm A và nhóm B.

- Chương trình, dự án, phi dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án, phi dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo.

- Chương trình tiếp cận theo ngành; dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị chương trình, dự án vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; dự án hỗ trợ kỹ thuật có quy mô vốn tài trợ tương đương từ 2 triệu USD trở lên; viện trợ mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; sự tham gia của Việt Nam vào chương trình, dự án khu vực.

- Hỗ trợ ngân sách.

Đối với các chương trình, dự án, phi dự án không thuộc quy định trên thì người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư.

Quy định chặt chẽ

Nghị định mới quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục đề xuất và lựa chọn đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Theo đó, chương trình, dự án được đề xuất sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi phải đảm bảo tiêu chí: phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chính sách, định hướng ưu tiên cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững; bảo đảm tính bền vững về kinh tế; phù hợp với khả năng cân đối vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng; phù hợp với khả năng trả nợ công, nợ Chính phủ và nợ chính quyền địa phương; không trùng lặp với chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan lựa chọn đề xuất chương trình, dự án phù hợp theo tiêu chí trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho cơ quan chủ quản quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề xuất chương trình, dự án được cho phép triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và thẩm định, quyết định đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi...

Theo Nguyên Hà

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên