MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu về 5,3 tỷ USD nhờ xúc tiến thương mại

Theo Cục Xúc tiến thương mại, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2010 – 2014 đã thu hút hơn 21.000 lượt DN tham gia, với các giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa đạt trên 1.000 tỷ đồng và doanh số bán hàng đạt gần 5,3 tỷ USD.

Thông tin trên được đưa ra tại Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Huân chương lao động hạng nhất của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chiều ngày 6/7 tại Hà Nội.

Cục Xúc tiến thương mại đã có 15 năm xây dựng và trưởng thành, trở thành đơn vị chủ đạo thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu cũng như mở rộng phát triển thị trường trong nước và hoạt động thương mại tại các khu vực biên giới, hải đảo trên cả nước.

Hiện đơn vị này đang chủ trì và thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia với 3 mục tiêu chính: Xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại miền núi, biên giới, hải đảo.

Theo thống kê, các hoạt động thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2010 – 2014 đã thu hút hơn 21.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng với tổng giá trị hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và doanh số bán hàng đạt trên 1.000 tỷ đồng và gần 5,3 tỷ USD.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết mặc dù nguồn lực cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia còn hạn chế, song đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển DN, phát triển thương hiệu sản phẩm.

Năm 2014, kỳ lựa chọn lần thứ 4 kể từ năm 2008, Chương trình đã xác định được 63 DN có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn của nền kinh tế, 63 DN đạt Thương hiệu quốc gia vẫn tăng trưởng mạnh, đóng góp tích cực cho xã hội: năm 2013, nộp ngân sách trên 25 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 90 nghìn lao động và xuất khẩu trên 17 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, vai trò của công tác xúc tiến thương mại đối với tái cơ cấu nền kinh tế là rất quan trọng. Do đó, cần phải đánh giá về cơ hội và thách thức để xúc tiến thương mại trở thành động lực của quá trình tái cơ cấu.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng công tác đổi mới xúc tiến thương mại có vai trò rất quan trọng. Cũng bởi, xúc tiến thương mại không phải là mang những sản phẩm đã có đi chào hàng ở những thị trường cũ mà phải có thông tin trở lại về nhu cầu thị trường, dự báo thị trường.

Với sự hỗ trợ từ các hoạt động của Cục Xúc tiến thương mại, sự hiện diện của các sản phẩm xuất khẩu Việt nam tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia ngày càng mở rộng. Các thương hiệu Việt cũng đang từng bước quay lại các thị trường truyền thống như Liên bang Nga, các nước Đông Âu và khai phá các thị trường mới tại Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La tinh...

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên