Thừa cảng, đói hàng
Theo các chuyên gia, giải pháp chính để kích thích nhà đầu tư hạ tầng giao thông trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn là cần phải thực hiện xã hội hóa đầu tư mạnh mẽ.
Thừa cảng, thừa công suất trong khi lại đói hàng là một trong những nguyên nhân khiến Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) cân nhắc sẽ không cấp phép xây dựng mới đối với cảng chuyên dùng vận chuyển container tại nhóm cảng biến số 5 (gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM, Đồng Nai) từ nay đến năm 2015 và có thể lâu hơn.
Kiến nghị ngưng cấp phép
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhóm cảng biển số 5 sẽ có 3 cụm chính là các cụm cảng Vũng Tàu, Đồng Nai và TPHCM. Mục tiêu sản lượng hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 5 năm 2010 khoảng 122 triệu tấn. Trong đó, cụm cảng khu vực TPHCM bao gồm: khu cảng Sài Gòn (sông Sài Gòn), khu cảng Nhà Bè (sông Nhà Bè - Lòng Tàu), khu cảng Cát Lái (sông Đồng Nai), khu cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp).
Nên có các chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực logistics bằng hình thức liên doanh giữa doanh nghiệp mạnh trong nước với các đối tác có năng lực nước ngoài để tạo sức bật huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế biển. |
Nằm ở vị trí chiến lược, vài năm trở lại đây, các dự án đầu tư cảng biển, kho vận tại 3 khu vực trên được đẩy mạnh. Cùng với đó, thế mạnh của khu vực Cái Mép - Thị Vải là đã hình thành tuyến dịch vụ trực tiếp từ châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lượng hàng sụt giảm, trong số 16 tuyến hiện nay đã bị cắt giảm xuống còn 8 tuyến. Khi 2 tuyến tàu AEX của Grand Alliance và Loop 1 của G6 sáp nhập tới đây để hình thành tuyến CEC mới, số lượng tuyến dịch vụ cập cảng Cái Mép - Thị Vải chỉ còn lại 7 tuyến. Điểm qua tình hình kinh doanh trong 6 tháng đầu năm của một số cảng như Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), SITV, SP-PSA… mặc dù có khởi sắc so với cùng kỳ, song sản lượng hàng hóa qua cảng vẫn còn thấp so với kỳ vọng và năng lực đáp ứng.
Hiện Công ty Tư vấn Thiết kế cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast) đã báo cáo Bộ GT-VT đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống cảng biển nhóm 5 và các bến cảng Cái Mép-Thị Vải”. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Công cho biết: “Thời gian qua việc phát triển ồ ạt cảng biển tại khu vực Cái Mép - Thị Vải đã làm mất cân đối về cung cầu, lượng hàng hóa thông qua cảng ít. Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả kinh tế, bộ sẽ đề xuất Chính phủ không cấp phép xây mới cảng tại đây”.
Xem lại cung-cầu
Có thể nói, việc phân cấp mạnh về quản lý quy hoạch và cấp phép đầu tư giữa Trung ương và địa phương đã mang lại nhiều thuận lợi và thông thoáng cho nhiều địa phương trong thu hút đầu tư. Nhưng chính sự thông thoáng này cũng tạo ra nhiều bất cập khi không kiểm soát được tốc độ đầu tư, dẫn đến mất cân đối về cung cầu bến cảng và nhu cầu thông qua hàng hóa. Thống kê của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho thấy công suất tại nhóm cảng biển số 5 đã vượt 2 lần nhu cầu thị trường, sản lượng container thông qua các cảng từ năm 2012 đến nay chỉ đạt khoảng 20% công suất, trong khi nhiều cảng mới vẫn đang được xây dựng.
Bên cạnh đó, có cảng được đầu tư bài bản, nhưng không hoạt động được do hạ tầng giao thông kết nối thiếu đồng bộ. Cảng mở ra nhiều nhưng hàng hóa ít đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh chào bốc xếp thấp, dưới giá thành. Công suất khai thác cảng của một số doanh nghiệp quá thấp và có nguy cơ ngưng hoạt động. Thủ tục hành chính cảng biển từ thủ tục đầu tư đến hải quan dù được giảm, nhưng vẫn còn khá nhiều quy định khiến nhà đầu tư trong và ngoài nước phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện và xin phép.
Trước thực trạng này, Bộ GT-VT đang có một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh tại nhóm cảng biển số 5. Bên cạnh việc ngưng cấp phép xây mới, Bộ GT-VT sẽ cùng các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá thực tế cung-cầu để quản lý chặt hoạt động cấp phép trong tầm nhìn 5-10 năm tới. Bộ GT-VT sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương nghiên cứu xây dựng đề án hình thành một cơ quan là chính quyền cảng, nhằm tăng cường chức năng quản lý đầu tư, quy hoạch, điều phối hoạt động khai thác cảng. Trước mắt, các bộ, ngành phối hợp với các địa phương nghiên cứu tổng thể toàn diện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp vào các cảng, bến cảng đang xây dựng hoặc đã đưa vào khai thác. Mục đích nhằm khai thông lưu chuyển hàng hóa, tránh lãng phí cho các dự án cảng biển đã hoàn thành nhưng không hoạt động.
Theo các chuyên gia, giải pháp chính để kích thích nhà đầu tư hạ tầng giao thông trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn là cần phải thực hiện xã hội hóa đầu tư mạnh mẽ. Các địa phương nghiên cứu, lập danh mục dự án và kiến nghị Chính phủ cho áp dụng mô hình đầu tư hợp tác công - tư (PPP) để kích thích nhà đầu tư có tiềm lực tham gia.