MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền nợ thuế sẽ “cứu nguy” cho ngân sách 2015

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng từng cho biết, việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm nay sẽ trông chờ phần lớn vào khoản thu nợ đọng thuế của các doanh nghiệp hiện nay.

Bộ Tài chính vừa công bố công khai danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế thuộc 63 cục thuế địa phương, tính đến 30/6/2015.

Tổng số nợ thuế của các doanh nghiệp nợ thuế lớn lên tới hơn 12.660 tỷ đồng. Đây là các doanh nghiệp bị xếp vào danh sách chây ỳ nộp thuế dù cơ quan thuế dùng nhiều biện pháp như đôn đốc, nhắc nhở, phạt chậm nộp nhưng đến nay vẫn chưa nộp.

Kèm theo danh sách này, Bộ Tài chính còn có công văn gửi Cục trưởng Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chữ ký trực tiếp của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn yêu cầu công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cơ quan thuế phải tổ chức cưỡng chế nợ thuế đối với các doanh nghiệp nợ thuế lớn bằng một loạt các biện pháp như: Trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp bị cưỡng chế tại ngân hàng thương mại; yêu cầu phong tỏa tài khoản hoặc thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo đúng quy định để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các Cục trưởng Cục Thuế tổ chức thực hiện việc cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn nghiêm minh theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và có văn bản báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trước ngày 30/7.

Tiền nợ thuế sẽ “cứu nguy” cho ngân sách 2015

Còn nhớ, cách đây không lâu tại Hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của ngành tài chính, người đứng đầu ngành này Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã thừa nhận: Trong bối cảnh những tháng đầu năm 2015 kinh tế chưa có sự tăng trưởng đột phá, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn; giá dầu thô giảm mạnh so với mức giá xây dựng dự toán và diễn biến phức tạp khó lường,...do vậy, tác động không nhỏ đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối NSNN năm 2015.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, 6 tháng cuối năm là thời điểm hết sức khó khăn đối với công tác thu ngân sách bởi tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp 6 tháng qua thấp nhất trong nhiều năm qua khi chỉ đạt mức tăng 2,2%, xuất khẩu thủy sản gặp khó.

Do đó, việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước sẽ trông chờ phần lớn vào khoản thu nợ đọng thuế của các doanh nghiệp hiện nay.

“Với con số tổng nợ thuế của các doanh nghiệp hiện nay khoảng trên 72.000 tỷ đồng, nếu thu được hết số tiền này thì “gánh nặng” ngân sách năm nay được được giải quyết một phần lớn” – Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Chính vì thế, Bộ trưởng đã đề nghị Tổng cục Thuế rà soát từng địa phương để thu nợ đọng thuế, công khai danh sách nợ đọng thuế để doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ thuế.

Kết quả tức thì

Trước áp lực về thu ngân sách, Hà Nội là địa phương đi đầu hưởng ứng chính sách nêu trên của Bộ Tài chính và ngay lập tức đã nhận được kết quả ngoài mong muốn.

Đầu giờ sáng này hôm nay (ngày 23/7/2015), Cục Thuế Tp Hà Nội cho biết, sau khi công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế lớn và dự án nợ tiền sử dụng đất, tính đến ngày 15/7 đã có 15/38 dự án đã nộp tiền sử dụng đất còn nợ, tổng cộng 219,377 tỉ đồng.

Và tại Tp HCM, tính đến ngày 30/6, số tiền nợ thuế trên địa bàn là 22.939 tỉ đồng. Đơn vị này đã tập trung đôn đốc thu và cưỡng chế nợ thuế, công khai danh tính 21 DN nợ thuế. Kết quả, thu được 8.857 tỉ đồng, trong đó thu nợ thuế năm 2014 chuyển sang là 5.230 tỉ đồng, thu nợ phát sinh năm 2015 là 3.627 tỉ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc công khai danh tính DN nợ thuế chắc chắn sẽ gặp phải phản ứng của các doanh nghiệp (bị “bêu” tên) vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt đối tác, khách hàng nhưng cũng chính vì thế mà DN sẽ phải chủ động nộp thuế thay vì cơ quan thuế suốt ngày phải có công văn “thúc” nộp.

Vị chuyên gia này còn nhấn mạnh, Bộ Tài chính cũng như các cơ quan thuế địa phương nên cập nhật và công khai thường xuyên danh sách các doanh nghiệp nợ thuế để ý thức của doanh nghiệp sẽ tốt hơn trong việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế.

“Có thể số tiền nợ thuế không được thu về 100% do trong số các doanh nghiệp bị “bêu” tên đã bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán nhưng tôi tin rằng sau mỗi lần công khai danh sách như thế này ngân sách sẽ thu do việc cố tình trây ì, không nộp thuế là không hề nhỏ” – Chuyên gia này nói.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên