MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du: “Lẽ ra không nên mở rộng xa lộ Hà Nội khi làm metro”

Trên đây là ý kiến của Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (làm việc trong chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) khi nói về các giải pháp đột phá nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM trong buổi hội thảo được tổ chức ngày 29/3.

TS. Huỳnh Thế Du
TS. Huỳnh Thế Du
Giảng viên Chính sách công Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
28 bài viết

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, khi mở rộng xa lộ Hà Nội thì người dân sẽ tiếp tục đi bằng xe cá nhân vì tiện lợi hơn mà không dùng đến metro. Nếu cứ để xa lộ Hà Nội như cũ và kẹt xe thì chắc chắn người dân sẽ chịu hết nổi mà phải dùng đến các phương tiện công cộng.

Ông Du nêu quan điểm rằng TP cần có cách tiếp cận khác trong vấn đề chống ùn tắc, bởi nếu cứ làm như từ trước đến nay sẽ không thể tạo ra đột phá để giải quyết việc này.

“Chúng ta cần tập trung nguồn lực phát triển hệ thống công cộng thay vì xây thêm đường như hiện nay” – ông nói và cho rằng việc xây thêm đường, cầu vượt chỉ giải quyết trong giai đoạn đầu còn sau đó con đường sẽ tiếp tục ùn tắc.

Ông cảnh báo rằng nếu vận tải công cộng không được ưu tiên phát triển và giải quyết căn cơ thì trong vòng 5 đến 10 năm tới TP.HCM sẽ trở thành một bãi đậu xe khổng lồ như Bangkok hay Jakarta đã từng trải qua.

Ông cũng đưa ra một đề xuất khác là phát triển “đô thị nén”, hạn chế phát triển phân tán bằng cách tập trung dân số, việc làm trong một phạm vi hẹp và những phạm vi hẹp này phải được bố trí sát theo các tuyến vận tải công cộng thì việc chống ùn tắc sẽ rất hiệu quả.

Cùng nêu ý kiến tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn – Giảng viên trường ĐH Việt Đức đã đưa ra nhận định rằng trên thực tế không nơi nào có thể mở rộng hạ tầng giao thông để theo kịp với nhu cầu đi lại. Do đó ông cho rằng cần lựa chọn các loại hình vận tải để phát triển.

Theo ông Tuấn, TP nên chọn hình thức vận tải có sức chuyên chở lớn hơn để phát triển, ngoài ra còn phải xem xét thêm các khía cạnh khác như tiếng ồn, độ ô nhiễm… để từ đó hướng đến quản lý theo khái niệm phát triển bền vững.

Tiến sĩ Tuấn còn nêu ra những số liệu để chứng minh rằng hình thức vận tải đường thủy là một giải pháp cần thiết để giảm tình trạng ùn tắc. “Năm 2015 có 1,8 triệu TEU được vận chuyển đến các vùng (trên địa bàn TP.HCM), nếu số này được chuyển sang đường thủy thì ùn tắc sẽ giảm rất nhiều” – ông Tuấn nói.

Ông cũng đưa ra 10 nhóm giải pháp để thực hiện quản lý giao thông đô thị bền vững, trong số này có: Kiểm soát nhu cầu vận tải; Ứng dụng giao thông thông minh; Thúc đẩy những dị vụ di chuyển mới; Cung cấp nguồn tài chính đầy đủ cho giao thông…

Trong khi đó ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải lại cho rằng TP.HCM cần giải quyết cả vấn đề cấp bách và lâu dài cùng lúc, như xử lý các nút giao gây ùn tắc và xây dựng các đường vành đai, đường sắt nội đô.

“Ta không thể nói là ưu tiên cái nào nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất hiện nay là phải tổ chức khai thác tốt nhất hạ tầng đang có, như thực hiện quản lý đúng với chức năng của hệ thống giao thông, đưa giải pháp công nghệ vào ứng dụng trong quản lý” – ông Đông nói.

Kết thúc buổi hội thảo, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết bản thân đánh giá rất cao những ý kiến, góp ý của các chuyên gia. Ông khẳng định Sở sẽ tiếp thu và bổ sung vào các giải pháp nhằm thực hiện giảm ùn tắc, tai nạn giao thông – vấn đề đã được Đại hội Đảng bộ TP coi là 1 trong 7 chương trình đột phá của nhiệm kỳ này.

Theo Nguyễn Cường

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên