MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn để gia tăng sản xuất

Theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tháng 2/2013 có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên nhiều chỉ tiêu so với cùng kỳ đều sụt giảm mạnh.

Sáng nay (4/3/2013), Bộ Công Thương dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến tháng 2 nhằm đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, thương mại 2 tháng đầu năm 2013 và triển khai nhiệm vụ tháng 3 và cả năm 2013.

Theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tháng 2/2013 có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên nhiều chỉ tiêu so với cùng kỳ đều sụt giảm mạnh. Vì thế nếu so với tháng 2 năm trước sẽ không chính xác. Nếu so sánh thực hiện 2 tháng đầu năm của các năm thì sẽ có cơ sở đánh giá sát thực hơn.

Sản xuất công nghiệp tăng 6,8%

Theo Bộ Công Thương, tính chung 2 tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó,công nghiệp khai khoáng tăng 1,8%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,7% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,9%.

Nhiều ngành công nghiệp có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng 4,0%; sản xuất bia tăng 14,5%; hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 18,9%; giày dép tăng 35,9%; hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 24,0% (trong đó tăng cao nhất là sản xuất phân bón tăng 43,3%); xi măng tăng 19,4%; bê tông và các sản phẩm từ thạch cao tăng 25,2%; thiết bị điện tăng 20,8% (trong đó: sản xuất pin và ắc quy tăng gấp hơn 2 lần, thiết bị điện các loại tăng 51,3%); phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe tăng 45,9%; mô tô, xe máy tăng 18,6%; và phân phối điện tăng 11,7%...

Nhưng bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước gồm: khai thác và thu gom than cứng giảm 5,7%; sản xuất vải dệt thoi giảm 3,9%; linh kiện điện tửgiảm 4,0%; sản phẩm điện tử dân dụng giảm 12,7%; mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện giảm 24,2%; xe có động cơ giảm 11,4%...

Những sản phẩm chủ yếu có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành gồm: điện tăng 11,5%; khí đốt (khí thiên nhiên) tăng 6,9%; thép cán tăng 24,6%; điện thoại di động tăng 26,4%; xe máy tăng 21,8%; phân ure tăng 85,2%; phân NPK tăng 26,0%; sữa bột tăng 16,2%; bia các loại tăng 14,6%; giầy, dép, ủng giả da cho người lớn tăng 13,4%; dầu gội đầu, dầu xả tăng 18,6%; sữa tắm, sữa rửa mặt tăng 14,3%; xi măng tăng 16,0%...

Tuy nhiên, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như: than sạch giảm 5,8%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 13,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 5,2%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 13,1%; sắt, thép thô giảm 10,0%; ti vi giảm 4,3%; ô tô giảm 13,2%...

Tiêu thụ khả quan, tồn kho vẫn lớn

Cùng với sự khởi sắc trong sản xuất công nghiệp, tiêu thụ 2 tháng có dấu hiệu khả quan hơn phản ánh qua chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1/2013 tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Rất nhiều ngành hàng có chỉ số tiêu thụ tháng 1 tăng cao so với cùng kỳ như: sản xuất đường tăng 55,0%; xi măng tăng 53,0%; sản phẩm từ plastic tăng 40,6%; cấu kiện kim loại tăng 40,1%; mô tô, xe máy tăng 38,1%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 30,3%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 28,5%; thuốc lá tăng 27,9%; sợi tăng 27,2%; bia tăng 22,4%; xe có động cơ tăng 21,8%; giày, dép tăng 19,5%; may trang phục tăng 18,0%; hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 15,4%; phân bón và hợp chất ni tơ tăng 14,2%...

Một số ngành vẫn có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm là sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tăng 8,1%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 6,0%; chế biến sữa và sản phẩm từ sữa tăng 4,8%; sản phẩm điện tử dân dụng giảm 8,8%...

Đáng lưu ý, dù là tháng tiêu thụ mạnh của các sản phẩm chế biến nhưng chỉ số tồn kho của ngành chế biến, chế tạo giảm không đáng kể so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/2/2013của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, những ngành có chỉ số tồn kho cao như: sản xuất đường tăng 28,0%; bia tăng 49,4% (tuy nhiên, những ngày sát Tết Nguyên đán tiêu thụ bia tăng mạnh); thuốc lá tăng 49,0%; hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 25,2%.

Một số ngành tồn kho ở mức cao như sản xuất trang phục tăng 27,0%; sản xuất giầy, dép tăng 31,9%; giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 33,7%; phân bón và hợp chất ni tơ tăng58,1%; mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 30,7%; sắt, thép, gang tăng 24,6%; xe có động cơ tăng gấp 2,4 lần; mô tô, xe máy tăng 28,6%; dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác tăng 64,1%...

Xuất khẩu ấn tượng

Tính chung 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ. Đây là con số được đánh giá là khá ấn tượng. Trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 11,0 tỷ USD, tăng 27,5%.

Xét về kim ngạch,so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 3,04 tỷ USD, tăng 8,5% và chiếm tỷ trọng 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: thuỷ sản tăng 5,8%; rau quả tăng 16,0%; nhân điều tăng 5,9%; cà phê tăng 1,3%;chè các loại tăng 1,7%; hạt tiêu tăng 77,7%; gạo tăng 4,0%,; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 46,9%; riêng cao su giảm 2,4%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước 1,61 tỷ USD, tăng 6,5% và chiếm tỷ trọng 8,5%, trong đó: than đá giảm 12,9%; dầu thô tăng 25,5%; xăng dầu các loại giảm 31,4%; quặng và khoáng sản khác giảm 33,3%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 13,26 tỷ USD, tăng 33,3% và chiếm tỷ trọng khoảng 69,9%, trong đó: bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 12,3%; hóa chất tăng 9,3%; sản phẩm hóa chất tăng 17,3%; phân bón các loại tăng 39,4%; chất dẻo nguyên liệu giảm 17,3%; sản phẩm chất dẻo tăng 19,3%; sản phẩm từ cao su giảm 1,9%; túi sách, vali, mũ, ô dù tăng 43,2%; sản phẩm mây, tre, cói, thảm tăng 24,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 35,2%; giấy và sản phẩm từ giấy giảm 5,6%; xơ, sợi dệt các loại giảm 7,6%; hàng dệt và may mặc tăng 38,4%; giày dép các loại tăng 20,9%; nguyên phụ liệu, dệt may, da giày tăng 16,1%; sản phẩm gốm, sứ tăng 7,0%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 22,1%; sắt thép các loại tăng 18,1%; sản phẩm từ sắt thép tăng 5,4%; kim loại thường khác và sản phẩm tăng 64,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 53,4%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 67,3%,; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 40,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 1,6%; dây điện và dây cáp điện tăng 20,0%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 42,8%...

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa khác ước đạt 1,07 tỷ USD, tăng 0,8% và chiếm tỷ trọng 5,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tính chung 2 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 17,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các DN 100% vốn trong nước đạt 8,06 tỷ USD, tăng 7,2%, chiếm tỷ trọng 46,6%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 9,24 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 53,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Ước xuất siêu 2 tháng là 1,676 tỷ USD, bằng 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với các thị trường châu Á như Trung Quốc (2,8 tỷ USD), ASEAN (195,6 triệu USD), Hàn Quốc (1,62 tỷ USD), Đài Loan (1,03 tỷ USD) (Phụ lục 7).

Đặc biệt, xuất khẩu và nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao hơn xuất khẩu và nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp đáng kể

Thị trường trong nước ổn định

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường Tết Nguyên đán năm nay không sôi động như mọi năm. Đến những ngày sát Tết, mua sắm nhộn nhịp hơn nhưng sức mua vẫn còn hạn chế và tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Tình hình cung cầu, giá cả trên thị trường cả nước thời gian trước Tết, trong Tết và những ngày sau Tết tương đối ổn định. 

Nhu cầu sắm tết của người dân năm nay giảm hẳn do tâm lý tiết kiệm cho những tháng khó khăn sắp tới. Giá cả các mặt hàng tiêu dùng cũng không biến động nhiều như mọi năm. Nguồn cung hàng hóa đa dạng, dồi dào. Vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 2 ước đạt trên 210 nghìn tỷ đồng, chỉ xấp xỉ bằng tháng 1. So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội 2 tháng ước đạt 422,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, trong tháng 2, dư luận đánh giá là sức mua thấp 1,03% so với tháng 1/2013. Nhưng do tháng 2 chỉ có 28 ngày, nếu quy về những tháng bình thường thì sức mua tăng phải tăng trên 10,9%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng còn khoảng 8,5%, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Như vậy phải khẳng định, sức mua được cải thiện.

Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,32% và 2 tháng chỉ tăng 2,59% là mức thấp so với nhiều năm gần đây. Nguyên nhân một phần là do sức mua không cao, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết tốt, các chương trình bình ổn thị trường tại nhiều địa phương làm rất tốt đã tạo tâm lý ổn định cho thị trường.

Tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp

Sau những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá, trong 2 tháng đầu năm nhiều chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp và thương mại đã tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng biểu dương và đánh giá cao sự lỗ lực của các địa phương, các doanh nghiệp, nhất là các thành phố lớn như là Hà Nôi, TP. HCM đã làm tốt công tác cung ứng hàng hóa, đảm bảo thị trường Tết ổn định, không thiếu hàng sốt giá đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại các mặt còn yếu đó là: công nghiệp giảm tháng 2 so với tháng trước và giảm so với cùng kỳ, chỉ số hàng tồn kho của một số mặt hàng cao, đây là một trong những khó khăn. Nhất là để kiềm chế lạm phát thì nhiệm vụ còn lại của 10 tháng rất nặng nề, tránh nhiệm của ngành Công Thương rất lớn.

Trên cơ sở đó nhiệm vụ chung, Bộ trưởng chỉ đạo:

Thứ nhất,theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Công Thương tập trung quyết liệt thực hiện nghị quyết 01, nghị quyết 02. Cụ thể trong giao ban hàng tuần và trong chỉ đạo của Bộ cũng đã thể hiện điều này. Bộ Công Thương đã đưa ra chương trình thực hiện nghị quyết 01 và biện pháp thực hiện nghị quyết 02, trong đó tập trung vào tháo gỡ khó khăn, gia tăng sản xuất, đẩy mạnh đầu tư các công trình trọng điểm và sớm đưa vào hoạt động để phát huy năng lực mới.

Thứ hai,tích cực khẩn trương thực hiện các đề án thuộc chương trình công tác của Chính phủ, trong đó có nhiệm vụ hoàn thành nghị định ban hành điều lệ hoạt động của các tập đoàn đặc biệt là các tập đoàn lớn, quan trọng như dầu khí, hóa chất, dệt may… Cần phối hợp với các đơn vị của Bộ sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều lệ này. Các Tổng công ty cũng có điều lệ hoạt động của mình, sớm trình để Bộ xem xét phê duyệt. “Năm 2012, về tổng thể chúng ta chỉ hoàn thành có hơn 60% các vấn đề về đề án, văn bản quy phạm pháp luật. Đây là mức thấp so với đề ra của Bộ nhưng so với các bộ ngành khác thì chúng ta vẫn đạt khá”- Bộ trưởng nhận xét.

Thứ ba,về công tác phát triển thị trường nội địa, bộ trưởng đánh giá, qua 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu. Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục phải triển khai tiếp nữa, rộng khắp và thực chất hơn, qua đó góp phần phát triển thị trường, phát triển hệ thống phân phối do các doanh nghiệp trong nước là hạt nhân. Bộ trưởng đề nghị các Sở Công Thương cũng như các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với nhau.

Đối với chương trình xúc tiến thương mại trong đó có xúc tiến xuất khẩu cũng đã tiến hành được hai tháng và đang sang tháng thứ 3. Xuất khẩu của chúng ta dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn nên đề nghị chủ các đề án phối hợp tốt và có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, trong đó có cả các chương trình xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thị trường nội địa và xúc tiến thị trường biên giới miền núi hải đảo.

Thứ 4,quản lý thị trường là vấn đề hết sức cấp bách của ngành Công Thương. Bộ Công Thương xác định, năm 2012 quản lý thị trường là một trong những khâu quan trọng nhất. Trong đó là thị trường xăng dầu, thuốc lá, an toàn vệ sinh thực phẩm, mũ bảo hiểm. Đề nghị các sở, chi cục quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với chi cục quản lý thị trường trung ương, các ngành chức năng để thực hiện tích cực, có hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường.

Theo Thanh Hương- Nguyễn Hạnh

Báo công thương


thunm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên