MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Tin kinh tế 1/4] Thủ tướng: Tăng trưởng GDP 6,03% là con số thực

PMI tháng 3 giảm từ mức 51,7 điểm xuống 50,7 điểm; Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với các nước ASEAN; Chuyên gia hiến kế để GDP 2015 đạt 6,5%... cũng là những thông tin đáng chú ý trong ngày.

Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách với các nước ASEAN

Tổng cục Thống kê vừa công bố thông cáo báo chí của ASEAN Stats (bộ phận thống kê ASEAN) về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2013 với một vài điểm sáng tích cực, cho thấy hy vọng thoát khỏi khủng hoàng kinh tế ngày càng cao.

Theo ASEAN Stats, quy mô nền kinh tế hiện hành của Việt Nam tương đối thấp so với các nước ASEAN, nhưng mức chênh lệch này ngày càng thu hẹp đáng kể trong những năm gần đây. Quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2005 chỉ bằng 1/3 Thái Lan, gần 1/2 Singapore, gần 1/5 Indonesia. Tuy nhiên, đến năm 2013 con số này đã cải thiện đáng kể: bằng 1/2 Thái Lan và trên 1/2 Singapore.

Chuyên gia hiến kế để GDP 2015 đạt 6,5%

Trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2015, các vấn đề cần lưu ý và kiến nghị, các chuyên gia của Tổ chuyên gia tư vấn khẳng định GDP 2015 có thể đạt từ 6,3-6,5%.

Cụ thể, trong bản báo cáo do ông Cao Viết Sinh thay mặt Tổ chuyên gia ký trình Chính phủ nhận định về tình tình kinh tế vĩ mô quý I/2015, Tổ chuyên gia tư vấn cho rằng kinh tế vĩ mô nước ta có bước chuyển biến tích cực, tiếp tục ổn định và tăng trưởng kinh tế duy trì được xu hướng khôi phục, phần lớn các chỉ số trong quý I đều tốt.

PMI tháng 3 giảm từ mức 51,7 điểm xuống 50,7 điểm

Theo báo cáo của HSBC, lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục cải thiện điều kiện hoạt động vào cuối quý đầu tiên của năm 2015 khi sản lượng và các đơn đặt hàng mới tăng trở lại.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất - đã giảm từ mức 51,7 điểm trong tháng 2 còn 50,7 điểm trong tháng 3 nhưng vẫn báo hiệu có sự cải thiện về điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Các điều kiện hoạt động đã cải thiện hơn trong suốt 19 tháng qua.

Điều chỉnh Quy hoạch mỏ khoáng sản làm xi măng

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh Quy hoạch các mỏ khoáng sản đá vôi, đất sét làm xi măng cho dây chuyền 2 Dự án nhà máy xi măng Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điềuchỉnh mỏ đá vôi Bắc Thắng và mỏ đất sét Đá Bạc xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An từ Quy hoạch các mỏ khoáng sản dự trữ cho nhu cầu sản xuất mở rộng và đầu tư mới để bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác trữ lượng khoáng sản làm nguyên liệu xi măng đến năm 2020 tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 9/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020.

Thủ tướng: Tăng trưởng GDP 6,03% là con số thực

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, GDP quý I tăng trưởng 6,03% là con số đã được rà soát kỹ và đây là con số thực, trên cơ sở cách tính khoa học, theo thông lệ quốc tế... Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây, tăng chủ yếu là do tăng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề, đề xuất những giải pháp hiệu quả khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, như làm rõ tại sao thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản khó khăn, giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu, thúc đẩy khu vực dịch vụ;

"Việc điều chỉnh giá bán điện ngày 16/3 vừa qua là cần thiết"

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1/4, Chính phủ nhận định, việc điều chỉnh đồng thời giá điện và giá xăng dầu cùng một lúc mới đây được nhận định là chưa hợp lý vì tạo sức ép gia tăng lạm phát, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu cùng trong tháng 3/2015 vừa qua đã được các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc thận trọng, ngoài biến động các yếu tố chi phí đầu vào (có tăng, có giảm) còn đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá đến kinh tế, xã hội, trên cơ sở đó lựa chọn phương án có tác động bất lợi thấp nhất và hỗ trợ người tiêu dùng điện ở mức phù hợp.

Thảo Anh (Tổng hợp)

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên