MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tin kinh tế 25/3: "Nếu làm tốt, GDP năm nay có thể đạt 6,4%"

Lần đầu tiên Việt Nam đứng đầu thị trường gia công thế giới; 10 điểm mới giúp PPP thành "cây đũa thần" đối với nhà đầu tư; ADB dự báo nợ công của Việt Nam cuối năm 2016 có thể đến 60% GDP… cũng là những thông tin đáng chú ý trong ngày.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 3 giảm nhẹ

Theo báo cáo cập nhật Chỉ số Niềm Tin Người Tiêu dùng Việt Nam ANZ-Roy Morgan, tháng 3 năm 2015 chỉ số này đã giảm nhẹ từ mức hơn 142 điểm xuống còn 141,5 điểm (giảm 0,8 điểm). Sự giảm nhẹ của chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam ANZ – Roy Morgan do tỷ lệ người tiêu dùng đánh giá “đây là thời điểm tốt” để mua các vật dụng chính trong gia đình suy giảm.

Tuy nhiên, dù có sự giảm nhẹ, nhưng chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng này vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 134,5 điểm trong suốt thời gian qua (kể từ 2014 – 2015).

GDP quý I có thể đạt 5,5 – 5,6%

Tại buổi họp giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 3 và quý I/2015 diễn ra sáng nay (ngày 25/3/2015), đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia tại cuộc họp của nhóm tư vấn Chính phủ diễn ra hôm qua (ngày 24/3), tình hình kinh tế quý I năm nay có thể khởi sắc hơn. Tăng trưởng có thể đạt 5,5 – 5,6%, cả năm có thể đạt 6,2% và nếu làm tốt thì GDP có thể đạt 6,4%

Báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2015 đạt gần 246 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Thu hút vốn ODA quý I tính đến ngày 20/3/2015, tổng giá trị hiệp định ODA ký kết đạt khoảng 887,8 triệu USD, giảm gần 51% so với cùng kỳ…

10 điểm mới giúp PPP thành "cây đũa thần" đối với nhà đầu tư

Hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang ngày càng được quan tâm khi gần đây hàng loạt các dự án về hạ tầng giao thông, cảng biển… thu hút được các nhà đầu tư tư nhân với vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có 10 điểm mới được coi là bứt phá giúp PPP trở thành "cây đũa thần kì” tạo hấp lực đối với các nhà đầu tư bao gồm: Phù hợp với thông lệ quốc tế, tiếp nối đà đổi mới của Việt Nam; Bổ sung các loại hợp đồng mới; Kiểm soát đầu ra thay cho đầu vào; Quy định rõ về vốn đầu tư công tham gia thực hiện dự án…

ADB: Nợ công của Việt Nam cuối năm 2016 có thể đến 60% GDP

Thông tin này được đề cập trong Báo cáo triển vọng Châu Á 2015 – phần nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam. Cụ thể, báo cáo có nêu, chính sách tài khóa dự báo sẽ tiếp tục mở rộng do thâm hụt ngân sách được đặt mục tiêu 5% GDP trong năm 2015 và khả năng duy trì ở mức này trong năm 2016.

Với dự báo triển vọng giả định rằng nếu thu ngân sách thấp hơn kế hoạch, chính phủ sẽ lựa chọn tăng thâm hụt ngân sách hơn là cắt giảm chi tiêu. Theo kịch bản đó, ADB đưa ra dự báo nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng đến 60% GDP.

Lần đầu tiên Việt Nam đứng đầu thị trường gia công thế giới

Báo cáo bảng xếp hạng các điểm đến có dịch vụ gia công đứng đầu thế giới thông qua đánh giá các chỉ tiêu về chi phí, rủi ro và điều kiện hoạt động do Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield vừa công bố cho thấy, lần đầu tiên Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường gia công đứng đầu của thế giới do chi phí nhân công đang tăng lên tại Trung Quốc.

Theo nhận định của Công ty Cushman & Wakefield, thị trường Việt Nam đã trở nên đặc biệt hấp dẫn nhờ Chính phủ áp dụng nhiều biện pháp cải cách mới. Việc đầu tư mạnh vào giáo dục và đào tạo đã giúp nguồn lao động Việt Nam chuyển từ nghề nông, năng suất thấp sang những công việc văn phòng năng suất cao hơn.

Cải cách thủ tục hành chính - đừng so với chính mình

Sáng 25/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Đặt vấn đề khi mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam, của nền kinh tế Việt Nam mặc dù đã có nhiều cố gắng, song so với yêu cầu đặt ra, đây vẫn là một điểm yếu, còn nhiều mặt hạn chế.

Thảo Anh (Tổng hợp)

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên