MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tin kinh tế 3/12: WorldBank lạc quan về kinh tế Việt Nam; Năm 2015 có thể nhập siêu trở lại

DN Pháp muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam; ASEAN đã đầu tư gần 44 tỷ USD vào Việt Nam; Lo nhập siêu trở lại … cũng là những thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày.

WorldBank đánh giá tích cực về triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam

Hôm nay (ngày 3/12), Ngân hàng Thế giới WorldBank đã chính thức công bố Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam. Theo đó, các chỉ số ban đầu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo trong năm nay sẽ cải thiện từ mức 5,4% của năm 2013 lên mức 5,6% năm 2014.

Theo báo cáo, đạt được kết quả này là nhờ Việt Nam đã ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô và hoạt động tốt của các ngành chế biến chế tạo hướng về xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2015 Việt Nam có thể sẽ nhập siêu trở lại

Bộ Công Thương vừa báo cáo Chính phủ về phương án nhập siêu năm 2015 với mức 5% GDP, tương đương 6 - 8 tỷ USD. Bộ này cho rằng, mức nhập siêu này là bất khả kháng trong năm tới, chấm dứt chuỗi 3 năm xuất siêu liên tiếp từ 2012 đến nay.

Theo ông Hải, việc nhập siêu trở lại một phần do các doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam trong năm tới. Cùng đó, các doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại các tỉnh, thành trên cả nước có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất tại thị trường trong nước.

DN Pháp muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Chiều 2/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tiếp Đoàn doanh nghiệp (DN) Pháp do Hiệp hội DN MEDEF tổ chức sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Chào mừng và hoan nghênh Đoàn DN Pháp sang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định trên cơ sở quan hệ Pháp-Việt đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp đã mở ra nhiều cơ hội giao thương cho DN, nhà đầu tư, cũng như nhân dân hai nước.

Các DN Pháp đã trình bày với Phó Thủ tướng về mong muốn, dự định triển khai một số dự án trong lĩnh vực khai khoáng, chế biến công nghiệp nặng, năng lượng, hạ tầng giao thông, ngân hàng...

43% vốn FDI của Hoa Kỳ tại Việt Nam đầu tư vào khách sạn, resort và dịch vụ ăn uống

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 2/12/2014, Hoa Kỳ có 712 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 10,92 tỷ USD; xếp thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Hiện nay, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào 17/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam, trong đó vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào ngành dịch vụ lưu trú (khách sạn, resort) và ăn uống. Hoa Kỳ có 16 dự án trong lĩnh vực này với tổng vốn đầu tư là 4,67 tỷ USD (chiếm 42,8% tổng vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam).

ASEAN đã đầu tư gần 44 tỷ USD vào Việt Nam

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư của các nước trong khu vực ASEAN vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2014 đã chạm ngưỡng 44 tỷ USD.

Trong đó, Singapore dẫn đầu với 1.344 dự án, tổng vốn đầu tư là 32,7 tỷ USD, chiếm 60,8% tổng vốn đăng ký. Vốn FDI khu vực Asean đầu tư tại Việt Nam tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 965 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 21,6 tỷ USD. 

Sách Trắng 2015: Không truy thu thuế GTGT với các dự án thăm dò dầu khí không thành công

Chiều ngày 1/12 vừa qua, Phòng thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đã chính thức công bố Sách trắng 2015 –  Các vấn đề thương mại, đầu tư  và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu.

 Tiểu ban Thuế và Chuyển giá thuộc EuroCham cho rằng, Việt Nam không nên truy thu thuế GTGT đối với các dự án thăm dò dầu khí không thành công do tính rủi ro cao của hoạt động thăm dò dầu khí nên các doanh nghiệp nước ngoài có khả năng bị tác động tiêu cực bởi việc truy thu thuế và làm tăng chi phí phát sinh của các nhà đầu tư tiềm năng trong ngành dầu khí Việt Nam.

>>>Lo nhập siêu trở lại

Nguyệt Quế (Tổng hợp)

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên