MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tốc độ thoái vốn sẽ nhanh hơn

Kết quả thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty khỏi lĩnh vực tài chính, ngân hàng có thể sẽ tích cực hơn trong hai quý cuối năm khi các văn bản hướng dẫn thoái vốn theo giá thị trường được ban hành.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến ngày 20.6, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái được 821,8 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành. Trong đó, số vốn các doanh nghiệp này thoái khỏi lĩnh vực tài chính 168,5 tỷ đồng, cụ thể: chứng khoán 23 tỷ đồng; tài chính, ngân hàng 73 tỷ đồng; bảo hiểm 72,5 tỷ đồng. 

Có 5 đơn vị được Bộ Tài chính đánh giá tốt trong thoái vốn nhà nước là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (120 tỷ đồng), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (376 tỷ đồng), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (120 tỷ đồng), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (105 tỷ đồng), Tổng công ty Lương thực miền Nam (83 tỷ đồng).

Trong khi đó, năm ngoái, các tập đoàn, tổng công ty thoái được 965 tỷ đồng, chủ yếu là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (734,7 tỷ đồng), bảo hiểm (135 tỷ đồng) và bất động sản (103,5 tỷ đồng).

Cho đến nay chưa có thống kê chính thức về số vốn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn nắm giữ tại các tổ chức tín dụng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán. Nhưng, có thể thấy con số đó không hề nhỏ nếu nhìn vào 20 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngành mà các tập đoàn, tổng công ty cần phải xử lý từ nay tới hết năm 2015. 

Hiện tại danh sách những ngân hàng đang có cổ đông là tập đoàn, tổng công ty còn tương đối dài. Tập đoàn Dầu khí đang nắm giữ 20% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đại Dương và là cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVCombank); Tổng công ty Bến Thành là cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Phương Đông; Tập đoàn Dệt - May Vinatex chưa thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Nam Việt (tên mới là Quốc Dân); Tập đoàn Than - Khoáng sản Vinacomin sau nhiều lần tìm kiếm vẫn chưa chuyển nhượng được cổ phần ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)... Tập đoàn Điện lực (EVN) cuối năm ngoái đã chuyển nhượng được 22,5 triệu cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP An Bình, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 16%, tương đương 76,9 triệu cổ phiếu. Với số lượng này EVN vẫn sẽ tiếp tục là cổ đông lớn của An Bình.

Bình luận về việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty khỏi lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, không phải người sở hữu chúng không muốn chuyển nhượng. Ngược lại, ai cũng muốn bán nhưng không tìm được người mua ở mức giá người bán rao. Cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn nữa. Khoảng cách chênh lệch giữa giá đầu tư và giá thị trường lại rất lớn. Hơn nữa, sẽ chẳng có ngân hàng nào muốn cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty rút vốn.

Nghị quyết 15/2014/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành hồi tháng 3 vừa qua được xem là đã mở rộng thêm cánh cửa đối với các tập đoàn, tổng công ty hiện đang mắc kẹt với đầu tư ngoài ngành. 

Riêng với phần vốn ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước tại các công ty đầu tư tài chính, ngân hàng hiện nay sẽ có tới 4 cách thức để thoái: doanh nghiệp có thể tự tìm cách bán phần vốn ấy, thậm chí dưới mệnh giá; ngân hàng thương mại nhà nước sẽ mua lại; chuyển sang cho Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ mua lại. Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến nhận định, kết quả thoái vốn sẽ đạt mức cao trong hai quý cuối năm nay, khi các văn bản hướng dẫn việc cho phép thoái vốn theo giá thị trường (có thể thấp hơn giá trị sổ sách) được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

>>>Minh bạch thông tin thúc đẩy tái cấu trúc DNNN

Theo Bình Sơn

cucpth

Đại biểu nhân dân

Trở lên trên