Tồn kho gần nửa sản lượng đường
Theo Hiệp hội Mía đường, sau Tết Quý Tỵ, lượng đường tồn kho vẫn tiếp tục tăng lên khá nhiều, bất chấp việc thị trường đường trong nước đã khởi động trở lại.
Đến ngày 17/2, tồn kho tại các nhà máy đường là 322.250 tấn (kể cả đường thô), tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường là 19.175 tấn. Như vậy, lượng đường tồn kho đến thời điểm này là gần 350 ngàn tấn.
Đây là một lượng tồn kho rất lớn, bởi từ đầu vụ mía đến giữa tháng 2, các nhà máy đường đã ép được 8.870.847 tấn mía, sản xuất 767.842 tấn đường (không bao gồm đường thô nhập khẩu và đường thô trong nước cung cấp cho các nhà máy luyện). Tính ra, lượng đường tồn kho đang ở mức gần bằng 1 nửa lượng đường đã được sản xuất ra trong vụ này. Lượng đường tồn kho đến thời điểm này cũng đã cao gần gấp đôi so với tồn kho đầu vụ (178.100 tấn).
Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường, việc tiêu thụ đường vẫn đang rất chậm chạp. Trung Quốc đã tạm đóng cửa biên giới trong những ngày nghỉ Tết và đến giờ vẫn chưa có thông tin họ đã mở biên lại hay chưa. Do đó, việc xuất khẩu đường qua đường tiểu ngạch sang nước này vẫn đang “án binh bất động”.
Còn đường xuất khẩu chính thức? Ông Hải cho hay đến nay Hiệp hội Mía đường vẫn chưa nhận được thông tin gì từ Bộ Công thương về việc này. Đầu ra vẫn tiếp tục bế tắc, đã khiến cho nhiều nhà máy đường thiếu vốn trầm trọng để sản xuất. Bởi vậy, từ đầu tháng 2, nhà máy đường Long Mỹ Phát phải tạm ngừng sản xuất, các nhà máy đường Kiên Giang và Cà Mau thì sản xuất cầm chừng.
Sau Tết Quý Tỵ, nhà máy đường Long Mỹ Phát đã hoạt động trở lại. Tất cả các nhà máy khác cũng đã ép mía. Thế nhưng nỗi lo về tiêu thụ vẫn đang như một tảng đá đè nặng trên vai các nhà máy đường.
Bởi vừa ra Tết, khi thị trường đường bắt đầu hoạt động trở lại, thì các nhà máy lại nhận thêm một tin không vui là giá bán buôn đường kính trắng trên thị trường giảm nhẹ (khoảng 100 đ/kg). Ngày 17/2, giá bán buôn đường kính trắng ở Cần Thơ chỉ còn từ 13.800-14.000 đ/kg, ở TP.HCM từ 13.700-14.100 đ/kg, ở Miền Trung từ 13.700-13.900 đ/kg. Ở Hà Nội, giá bán buôn đường kính trắng có khá khẩm hơn một chút khi ở mức 14.200-14.600 đ/kg.
Giá bán buôn đường kính trắng (đã có VAT) tại một số nhà máy đã xuống mức khá thấp trong mấy năm qua: Đăk Nông 13.500 đ/kg, Trà Vinh 13.696 đ/kg, Cần Thơ 13.800 đ/kg, Ninh Hòa 14.000 đ/kg, Bến Tre 14.028 đ/kg, Nông Cống 14.036 đ/kg, Cao Bằng 14.299 đ/kg, Sơn Dương 14.300 đ/kg, Tate&Lyle 14.550 đ/kg…
Nếu tiêu thụ đường vẫn tiếp tục khó khăn, lượng đường tồn kho nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng lên và vượt xa cái mức gần 350 ngàn tấn như hiện nay. |
Giá bán buôn đường kính trắng giảm khi đường lậu vẫn chưa vào qua biên giới phía Tây và Tây Nam do bận kỳ nghỉ Tết, chứng tỏ thị trường đường nội địa tuy đã khởi động trở lại nhưng vẫn còn khá èo uột, nhu cầu tiêu thụ không thấm vào đâu so với lượng đường tồn kho đang chất đống trong các nhà máy.
Hiện tại, các nhà máy vẫn đang cố gắng duy trì mức giá thu mua mía như hồi đầu tháng 2. Cụ thể, giá mía miền Bắc từ 870-1.000 đ/kg, miền Trung – Tây Nguyên 900-970 đ/kg, Đông Nam bộ 950-1.150 đ/kg, ĐBSCL 855-940 đ/kg. Ở một số địa phương, giá mía bán xô tại ruộng đã xuống mức khá thấp. Như tại Long An, giá mía bán xô tại ruộng chỉ còn 450-520 đ/kg.
Nếu đầu ra xuất khẩu lẫn tiêu thụ đường trong nước tiếp tục khó khăn, bế tắc, khiến cho giá đường bán buôn vẫn có nguy cơ giảm xuống, thì các nhà máy đường khó mà giữ được giá thu mua mía như trên trong thời gian tới.
Trong khi đó, niên vụ mía đường 2012/2013 vẫn đang ở trong thời điểm chính vụ. Tháng 2, dù mất 1 tuần nghỉ Tết, nhưng sản lượng đường ước tính vẫn đạt khoảng 250 ngàn tấn (từ ngày 1 đến 17/2, các nhà máy đã ép được 420.111 tấn mía, sản xuất 43.030 tấn đường).
Theo Sơn Trang
Nông nghiệp Việt Nam