MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng bí thư: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn tồn tại

Bộ Chính trị, Ban bí thư "tự kiểm điểm" là chưa quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết một số vấn đề kinh tế xã hội phức tạp...

Chiều 21/1, các vị đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc đã thảo luận tại đoàn về các văn kiện của Đại hội 12.

Một số vị đại biểu cho biết không khí thảo luận tại đoàn khá sôi nổi, và một trong các nội dung được nhiều vị quan tâm là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế - điều đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi trình bày báo cáo về các văn kiện Đại hội đảng 12 trong phiên khai mạc sáng 21/1.

Theo Tổng bí thư, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ "diễn biến hoà bình" của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,...

Đổi mới chưa đồng bộ

Đánh giá tổng quát thực hiện nghị quyết Đại hội 11, báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương 11 nêu rõ, nhiệm kỳ qua đã đạt được những thành quả quan trọng.

Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên, kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước.

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện, bước đầu đạt kết quả tích cực, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá…

Tuy nhiên, Ban chấp hành Trung ương đánh giá, nhiệm kỳ qua đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch. Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được.

Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao, sản xuất kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn.

Tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước, không đạt mục tiêu đề ra năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, chưa có cơ chế đột phá để thúc đẩy phát triển. Cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển.

Nguyên nhân chủ quan là chính

Những yếu kém nói trên, theo báo cáo là có nguyên nhân khách quan, song trực tiếp và quyết định nhất là nguyên nhân chủ quan.

Cụ thể, cuối nhiệm kỳ khoá 10, kinh tế vẫn trên đà tăng trưởng, song một số khó khăn, hạn chế và những yếu kém vốn có của nền kinh tế đã bộc lộ. Nhưng do chưa đánh giá và dự báo đầy đủ, nên Đại hội 11 đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ khá cao. ‘

Tự kiểm điểm trước nhân dân, Bộ Chính trị, Ban bí thư cũng nhận khuyết điểm việc lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thể chế hoá chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và bàn các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội còn chậm so với yêu cầu.

Bộ Chính trị, Ban bí thư tự nhìn nhận là còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết một số vấn đề kinh tế xã hội phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế, đời sống nhân dân.

Như, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công, về nợ công, nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thị trường bất động sản…

Trong phiên khai mạc, trình bày những tư tưởng và nội dung cốt lõi trong các văn kiện trình Đại hội 12, Tổng bí thư cũng nêu định hướng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng,

Cụ thể, tái cơ cấu sẽ tập trung vào các lĩnh vực quan trọng: cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cũng là nội dung được Tổng bí thư nhấn mạnh.

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên