Đây là tuyến xe điện chạy trên mặt đất (còn gọi là tuyến số
3) trong tổng số 6 tuyến đường sắt đô thị sẽ được xây dựng tại TPHCM, trong đó
có cả các tuyến đi trên mặt đất và các tuyến đi ngầm.
Lúc đầu, tuyến này có chiều dài gần 24 ki lô mét nhưng sau
đó được điều chỉnh tách ra thành 2 tuyến là 3A (Bến Thành - bến xe miền Tây)
dài 12,2 ki lô mét và 3B (Bến Thành - Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) dài 11,5
ki lô mét.
Tuyến số 3A có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng, do liên
danh Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thanh Danh, Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ
và Công ty Titanium Management (Malaysia) đầu tư theo hình thức BOT.
Điểm đầu của tuyến này sẽ xuất phát tại Bến Thành, sau đó chạy
dọc theo đại lộ Đông Tây và kênh Bến Nghé - Tàu Hũ rồi kết thúc tại bến xe miền
Tây.
Toàn tuyến có sáu nhà ga chính bao gồm công trường Mê Linh
(quận 1), Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Đại Thế Giới, Bình Tây, Lò Gốm (quận 6) và ga
cuối tại bến xe miền Tây. Ngoài các ga chính, trên tuyến còn có 17 trạm dừng,
đón trả khách. Dự kiến, tuyến 3A sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong
năm 2012.
Theo quy hoạch chung vừa được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt
đến năm 2025, TPHCM sẽ có 6 tuyến đường sắt đô thị bao gồm cả đường sắt đi ngầm,
đi trên cao và trên mặt đất.
Đến nay tuyến tàu điện ngầm số 1 (Bến Thành – Suối Tiên)
đang được xây dựng, còn tuyến số 2 và số 3 sẽ được khởi công trong thời gian tới.
- 6 tuyến đường sắt đô thị tại TPHCM theo quy hoạch mới được
điều chỉnh của Thủ tướng Chính phủ:
- Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên: dài 19,7 ki lô mét
- Tuyến số 2: Thủ Thiêm- An Sương: dài 19 ki lô mét
- Tuyến số 3: 3 A: Bến Thành - bến xe miền Tây (12,2 ki lô
mét); 3B: Bến Thành- Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức (11,5 ki lô mét)
- Tuyến số 4: Cầu Bến Cát - Gò Vấp - đường Nguyễn Văn Linh (24
ki lô mét)
- Tuyến số 5: Cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc (17 ki lô mét)
- Tuyến số 6: Ngã ba Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm (dài 6 ki
lô mét)
Theo Anh Quân
VnEconomy