MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPP sẽ “kéo” các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam

TPP có thể sẽ thúc đẩy việc gia tăng nguồn vốn đầu tư vào các nước thành viên TPP như Malaysia và Việt Nam, đặc biệt vào các ngành có chi phí nhân công thấp như dệt may, giày dép...

Trong bài báo mới đăng, hãng tin Kyodo News (Nhật Bản) trích báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho biết, hiệp định Kinh tế Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn do các nhà đầu tư tại nước này chuyển sang các quốc gia có chi phí lao động rẻ hơn như Malaysia hay Việt Nam.

Việc kết thúc đàm phán TPP giữa 12 quốc gia thành viên vào tháng 10 vừa qua là một kết quả tích cực trong việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

TPP được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử nhân loại, giúp giảm thuế xuất nhập khẩu, cũng như các loại bảo hộ thương mại tại 12 quốc gia thành viên. Các nước này hiện chiếm đến khoảng 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu.

Các thành viên TPP gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Australia và Việt Nam.

Trong báo cáo “Hội nhập Kinh tế châu Á 2015” công bố ngày 8/12, ADB cho biết Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cạnh tranh trực tiếp từ một vài thành viên TPP đang cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của nước này.

“TPP có thể sẽ thúc đẩy việc gia tăng nguồn vốn đầu tư vào các nước thành viên TPP như Malaysia và Việt Nam, đặc biệt vào các ngành có chi phí nhân công thấp như dệt may, giày dép” – báo cáo nhận định.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể phải đối mặt với nguy cơ các luồng giao thương bị chuyển hướng khi kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào các nước thành viên TPP đang chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch của nước này.

“Mặc dù TPP tạo ra cơ hội thương mại và đầu tư mới, vẫn có tình trạng chuyển hướng đầu tư và kinh doanh xuất phát từ những yêu cầu và quy định khác nhau trong TPP” - ADB cho biết.

Ngoài ra, TPP còn có thể ảnh hưởng đến chuỗi giá trị trong khu vực, cũng như của thế giới, vì Trung Quốc, Hàn Quốc và các nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sản xuất tại châu Á không tham gia hiệp định này.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên