MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh cãi về dự án bôxit Tây Nguyên: Bộ Công thương chính thức lên tiếng

Vụ Công Nhiệp nặng, Bộ Công Thương vừa có ý kiến chính thức về dự án bôxít ở Tây Nguyên, sau khi các chuyên gia khẳng định dự án bôxít của Việt Nam đang bị sập bẫy "giá rẻ" của nhà thầu Trung Quốc.

Tóm tắt:

- Tại buổi tọa đàm về dự án khai thác bôxit Tây Nguyên do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) tổ chức tọa đàm ngày 28/3/2015, nhiều chuyên gia đã khẳng định TKV đã “sập bẫy” giá rẻ.

- Bộ Công thương khẳng định, hiệu quả kinh tế của dự án alumin Tân Rai đã báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy dự án có hiệu quả với thời gian lỗ kế hoạch dự kiến là 4,0 năm và thời gian thu hồi vốn 11,5 năm.

- Đánh giá của Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội về các dự án bôxít, hiệu quả tổng hợp bước đầu của 2 dự án đã tác động lan tỏa và tích cực đến phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương.

- Theo Bộ Công thương, đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bôxít sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD” là vội vã, thiếu cơ sở.


Trước đó, tại buổi tọa đàm về dự án khai thác bôxit Tây Nguyên do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) tổ chức tọa đàm ngày 28 /3/2015, nhiều chuyên gia đã khẳng định Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) đã “sập bẫy” giá rẻ, càng làm càng thua lỗ nặng.

Trong thông báo chính thức mới đây, Bộ Công thương khẳng định, hiệu quả kinh tế của dự án alumin Tân Rai đã báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy dự án có hiệu quả với thời gian lỗ kế hoạch dự kiến là 4,0 năm và thời gian thu hồi vốn 11,5 năm.

Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ có điều kiện vận tải xuống cảng biển xa hơn, hạ tầng khó khăn hơn nên hiệu quả kinh tế thấp hơn so với Dự án alumin Tân Rai, với thời gian lỗ kế hoạch là 5 năm và thời gian thu hồi vốn 12 năm.

Ngoài ra, cùng với việc TKV rút kinh nghiệm từ Dự án Nhà máy alumin Tân Rai, làm chủ hoàn toàn về công nghệ, cải tiến kỹ thuật và tổ chức sản xuất hợp lý để tiết giảm chi phí để tiến tới cổ phần hóa toàn bộ dự án.

Giá bán alumina trên thế giới hiện đã bước vào chu kỳ tăng. Mức giá hiện nay trên đã vượt mức dự báo tăng giá alumin trong tính toán HQKT, do vậy, HQKT của Dự án tăng lên; thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ giảm, thời gian thu hồi vốn cũng giảm theo.

Theo đó, Bộ Công thương cho biết, đánh giá của Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội về các dự án bôxít, hiệu quả tổng hợp bước đầu của 2 dự án đã tác động lan tỏa và tích cực đến phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương. Dự án đã tạo được sự đồng thuận và nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.

Theo tính toán, thì dự án Tân Rai lỗ kế hoạch 4 năm đầu, Nhân Cơ lỗ 5 năm đầu do phải trả nợ các khoản vay đến hạn…nên việc năm 2015 và một vài năm tiếp theo, các khoản lỗ mang tính chất lỗ kế hoạch theo dự kiến mang tính qui luật.

Vì vậy, theo Bộ Công thương, đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bôxít sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD” là vội vã, thiếu cơ sở.

Về công nghệ khai thác, vận chuyển và tuyển quặng bôxit:

Công nghệ khai thác, vận chuyển và tuyển rửa do Nhà thầu trong nước thực hiện, đến nay đã hoàn thành và đưa mỏ vào sản xuất. Công tác thiết kế mỏ bài bản. Công nghệ khai thác hợp lý. Công nghệ tuyển rửa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Nhà thầu đã bàn giao cho Công ty nhôm Lâm Đồng quản lý và vận hành từ ngày 31 tháng 12 năm 2012. Hiện nay, Công ty nhôm Lâm Đồng đã vận hành ổn định, làm chủ dây chuyền công nghệ, nghiên cứu và cải tiến một số khâu công nghệ để nâng cao công suất, hiệu quả nhà máy như khâu lắng bùn thải quặng đuôi sau tuyển, tuyển không sử dụng máy đập búa… Việc sai khác trong thực tế so với thiết kế là chấp nhận được, không ảnh hưởng đến kết quả sản xuất.

Công nghệ sản xuất alumin:

Dự án lựa chọn Công nghệ Bayer Châu Mỹ, hòa tách ở nhiệt độ 1450C, áp suất 5 - 7 atm cho quặng bôxit gipxit là hợp lý. Đây là công nghệ được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới cho các nhà máy alumin chế biến quặng bôxit gipxit. Công nghệ áp dụng cho nhà máy alumin Tân Rai được đánh giá là tiên tiến. Qua đó thấy rằng các vấn đề về công nghệ đã được chuyên gia của Hội đồng xem xét một cách thận trọng và kỹ lưỡng, có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Đối với Nhà máy tuyển quặng, do Việt Nam tự thiết kế, không phải của Trung Quốc, do tính đặc thù quặng bôxit Tây Nguyên thuộc loại khó tuyển nên ban đầu cũng gặp không ít trục trặc, công suất đạt thấp, tỷ lệ thu hồi quặng tinh không cao. Đến nay TKV đã tiếp nhận, làm chủ công nghệ nên các chỉ tiêu công nghệ đạt tốt như Hội đồng khoa học công nghệ đã đánh giá. Rút kinh nghiệm Dự án Tân Rai, Nhà máy tuyển Dự án Nhân Cơ đã có những khâu cải tiến đáng kể, nâng cao tỷ lệ thu hồi quặng tinh, giảm tổn thất.

Về công suất của nhà máy alumin

Trong Hồ sơ mời thầu ban đầu với công suất thiết kế là 600.000 tấn/năm, nhà thầu dự thầu 600.000 tấn/năm. Sau đó, theo đề nghị của TKV, Nhà thầu có cam kết bổ sung. Nhà máy alumin công suất thiết kế là 650.000 tấn/năm, công suất vận hành ổn định là 630.000 tấn/năm, để dự phòng duy tu, bảo dưỡng, thay thế thiết bị, phụ tùng. Khi tính toán hiệu quả Dự án chỉ tính công suất vận hành của Nhà máy là 630.000 tấn/năm, chứ không tính công theo công suất thiết kế. Vì vậy, không thể có lỗ và thiệt hại phát sinh do giảm công suất thiết kế.

Theo hợp đồng EPC và thực tế triển khai thực hiện, Nhà thầu EPC tính toán lập thiết kế nhà máy alumin với công suất 650.000 tấn alumin/năm, lớn hơn công suất mời thầu 600.000 tấn của TKV. Sản lượng năm 2015 dự kiến đạt 540.000 tấn, năm 2016 dự kiến đạt 650.000 tấn alumin (đạt công suất thiết kế).

Về vấn đề tiêu hao quặng, tinh quặng bôxit

Định mức sử dụng quặng, tinh quặng bôxit phụ thuộc nhiều vào chất lượng quặng bôxit đầu vào. Đối với quặng bôxit Tây Nguyên hàm lượng trung bình, nhiều tạp chất nên việc tiêu hao quặng cao hơn so với quặng bôxit của một số quốc gia như Úc, Braxin.....là điều dễ hiểu.

Dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân

Dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân (Dự án THQ) mua điện ở cấp điện áp 220kV, không mua ở cấp điện áp sinh hoạt. Trạm biến áp 220kV do Chủ đầu tư xây dựng, vì vậy, giá bán, giá thành điện bán cho Dự án THQ không có chi phí trạm biến áp (gồm chi phí khấu hao cơ bản, chi phí sửa chữa lớn v.v…). Việc mua điện ở cấp điện áp 220kV có giá thấp hơn ở các cấp điện áp thấp hơn là đương nhiên do ở cấp điện áp thấp các đơn vị bán điện phải đầu tư thêm các thiết bị để hạ áp và lưới phân phối.

Việc so sánh giá bán điện bình quân (chủ yếu ở cấp điện áp thấp) với việc mua giá điện ở cấp 220KV là khập khiễng và phiến diện. Đến năm 2018, công suất Dự án sẽ đạt công suất thiết kế là 300.000 tấn/năm. Tại Công văn số 3025/BCT-CNNg ngày 15 tháng 4 năm 2014 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án THQ, dự kiến chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho Dự án trong 10 năm giai đoạn 2016-2025 là 229 triệu USD (khoảng 4.800 tỷ). Vì vậy việc cho rằng hằng năm nhà nước bù lỗ 3000 tỷ đồng/năm là thiếu cơ sở.

Hiệu quả kinh tế

Theo tính toán, dự án nộp ngân sách giai đoạn 2016-2045 là 420 triệu USD; bình quân 14 triệu USD/năm. Nếu trừ đi chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho Dự án giai đoạn 2016-2025 là 229 triệu thì Dự án THQ còn dư nộp ngân sách là: 190 triệu USD (420 triệu - 229 triệu USD).

Tỉnh Đăk Nông là địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn vì vậy Dự án THQ thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư, được nhà nước hỗ trợ theo Luật đầu tư 2005 và Luật đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014. Việc nhà nước hỗ trợ chuẩn bị mặt bằng là phù hợp với các qui định hiện hành, kể cả hỗ trợ 1200 tỷ (khoảng 54 triệu USD), dự án THQ trong 10 năm dự kiến sẽ nộp ngân sách là 136 triệu USD (190 triệu - 54 triệu).

Về tác động tới môi trường

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án THQ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt vào tháng 2 năm 2015. Như vậy, các lo ngại về các tổn hại về môi trường đã được đánh giá, dự án đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Như vậy có thể đánh giá dự án THQ có hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Đăk Nông, có tác động tốt đến sự phát triển của tỉnh Đăk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Theo Bộ Công thương, dự án còn đem lại các lợi ích kinh tế sau đây:

- Đáp ứng nhu cầu nhôm (là loại nguyên liệu cơ bản của thế kỷ 21, về quy mô sản xuất và tiêu thụ đứng thứ 2 sau sắt và thứ nhất trong kim loại màu), thay thế nhập khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại và cân đối ngoại tệ.

- Giúp Nhà máy alumin Nhân Cơ tiêu thụ toàn bộ sản lượng alumin ổn định và lâu dài; giảm lưu lượng và chi phí vận chuyển và góp phần cải thiện hiệu quả của Nhà máy chế biến alumin Nhân Cơ của Vinacomin.

- Nhờ hình thành nền công nghiệp bô xít – nhôm đồng bộ sẽ góp phần và tạo điều kiện xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn và Tây Nguyên, trên cơ sở đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên. Đóng góp cho ngân sách nhà nước và giá trị sản phẩm hàng năm cho tỉnh Đăk Nông.

- Góp phần thiết thực hình thành và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp điện phân nhôm; hiệu quả kinh tế lan toả của khâu này rất lớn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chưa định lượng cụ thể được.

- Tạo việc làm trực tiếp trong Nhà máy điện phân nhôm khoảng 935 người (bình quân trong 15 năm) và khoảng 2000 người lao động gián tiếp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng của nông nghiệp và tăng tỷ trọng dịch vụ tại địa bàn tỉnh Đắk Nông.

- Góp phần nâng cao trình độ dân trí, văn hóa, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội trên địa bàn và Tây Nguyên.

>>>Dự án bôxit: TKV đã “sập bẫy giá rẻ”?

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên