MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng đoàn đàm phán TPP nói về “hậu trường” cuộc đàm phán

Vừa trở về từ cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Atlanta (Mỹ), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán TPP bày tỏ kỳ vọng TPP có thể được ký chính thức khoảng đầu tháng Giêng năm 2016.

Những nội dung quan trọng và khó đạt được thỏa thuận nhất trong TPP cũng đã được các bên nhất trí thông qua vào đúng phút chót của cuộc đàm phán.

Nhiều nội dung đạt thỏa thuận vào phút chót

Đơn cử với vấn đề dệt may, một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng của nước ta, đang kỳ vọng rất lớn vào TPP, thì những thỏa thuận đạt được cũng chỉ trước khi vòng đám phán kết thúc vài giờ. Ông Khánh cho biết, Việt Nam đã kết thúc đàm phán về dệt may với Hoa Kỳ và Mexico vào nửa đêm 4/10, tức là sáng 5/10 theo giờ Việt Nam.

Tiếp đến là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam cũng kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ vào lúc 3h30, tức là chỉ sớm hơn gần một tiếng trước khi cuộc đàm phán song phương giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ kết thúc.

Cuộc đàm phán tại Atlanta lần này diễn ra trong bối cảnh Hội nghị các bộ trưởng TPP ở Hawai diễn ra vào tháng 7 không đạt được thỏa thuận. Những vấn đề lớn vẫn đang là nút thắt của TPP như quy tắc xuất xứ của mặt hàng ô tô, thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược, và đặc biệt là các đàm phán song phương, mở cửa thị trường của dệt may, giày dép, sữa.

Cuộc đàm phán tại Atlanta mở ra lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết những nút thắt trên, khi các Bộ trưởng dự kiến sẽ họp trong 3 ngày. Tuy nhiên, vòng đàm phán lần này đã phải kéo dài hơn dự kiến, khi mà một số thỏa thuận liên quan đến mặt hàng ô tô giữa Nhật Bản, Mexico, Hoa Kỳ đã đạt được, và các bộ trưởng đều muốn sớm kết thúc TPP.

“Đến ngày mùng 3, chúng ta nhận được thông tin các nước thoả thuận được với nhau về vấn đề ô tô. Lúc đó, chúng tôi hiểu rằng, hiệp định TPP đã rất gần rồi và không một ai muốn rời Atlanta mà không có hiệp định TPP cả”, Trưởng đoàn đàm phán TPP chia sẻ.

Thứ trưởng tiếp câu chuyện: “Ngày 3/10, xuất hiện lời văn thoả hiệp về vấn đề bảo hộ dữ liệu cho sinh dược. Đến ngày 4/10, các nước thống nhất được với nhau về sinh dược. Tới lúc đó, không còn ai muốn rời Alanta nữa. Các bộ trưởng quyết định gia hạn thêm và tích cực đàm phán, rất khẩn trương để có thể có được kết quả cuối cùng đàm phán về mở cửa thị trường”.

Bày tỏ sự vui mừng khi TPP đã kết thúc đàm phán, Thứ trưởng Khánh chia sẻ sau 6 năm đàm phán, các Bộ trưởng tham dự đã có những ngày đàm phán rất khó khăn. Điều này có ý nghĩa đặc biệt, khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng và chúng ta đã có hành trang là 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ Công Thương sẽ phổ biến rộng rãi thông tin về TPP

Do đó, Thứ trưởng Khánh cho rằng mặc dù những thông tin về đàm phán TPP không được phổ biến theo thỏa thuận giữa các nước trong TPP, song trong quá trình đàm phán hoạt động tham vẫn thường xuyên ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, các bên liên quan vẫn thường xuyên diễn ra. Vì vậy Thứ trưởng khẳng định: Việt Nam có đủ tự tin để bước vào hội nhập.

Cũng theo Thứ trưởng, TPP mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam khi góp phần tăng trưởng xuất khẩu, giúp DN có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm cơ hội việc làm. TPP còn đưa Việt Nam đứng trước những yêu cầu về cải cách, nâng cao sức cạnh tranh của DN, nền kinh tế. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất được chỉ ra đó là DN sẽ ngày càng chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn và ngành nông nghiệp, chăn nuôi sẽ gặp khó khăn.

“Chúng tôi khẳng định, chăn nuôi sẽ có ít nhất là 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế được hạ về 0%. Chúng tôi rất hy vọng trong thời gian đó chúng ta sẽ nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp, làm sao cho nông nghiệp của chúng ta có sức cạnh tranh lớn hơn nữa”, Thứ trưởng nói.

Do đó, trong thời gian tới Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến thông tin về TPP để DN và người dân có sự chuẩn bị.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động, tích cực trong hội nhập, phân tích kỹ lưỡng các thuận lợi, khó khăn và thế mạnh cạnh tranh của mình để lựa chọn hướng đi phù hợp.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên