MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ts. Huỳnh Thế Du: "Thách thức lớn nhất của TP. HCM là số lượng ô tô cá nhân tăng"

Chính sách nên tập trung vào việc ngăn chặn sự gia tăng của việc sử dụng ô tô. Ngoài ra để huy động các nguồn lực tham gia đầu tư giao thông đô thị nhà nước nên mở ra các cơ chế khuyến khích.

Trong khuôn khổ diễn đàn “Chính sách công Châu Á 2014: Giao thông đô thị và sử dụng đất tại các thành phố Châu Á tăng trưởng nhanh” diễn ra trong 2 ngày 5-6/06/2014, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giảng viên FETP, Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường kiến trúc Harvard đã có bài trình bày về “Chuyển đổi ở Tp. Hồ Chí Minh: Những thách thức trong việc xây dựng một thành phố mong đợi hơn” và trao đổi với báo giới về đầu tư giao thông đô thị.

Theo Ts. Huỳnh Thế Du, quá trình quy hoạch đô thị ở Tp. Hồ Chí Minh trong hai thập kỷ qua dường như không được tốt. Vì vậy, thành phố nên xem xét các cách tiếp cận bổ sung, đặc biệt là sự tham gia của các nhóm khác nhau – những nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc liên quan đến quá trình quy hoạch.

Ts. Huỳnh Thế Du đánh giá, thách thức lớn nhất của Tp. Hồ Chí Minh trong tương lai gần là việc chuyển từ xe máy sang ô tô thay vì bản thân xe máy. Giao thông là vấn đề chính trong giờ cao điểm ở Thành phố. Không có thành phố nào có thể xử lý được vấn đề tắc nghẽn nếu không có hệ thống giao thông công cộng tốt. Thành phố đã ưu tiên tập trung vào sự cải thiện giao thông đô thị trong 2 thập niên qua, nhưng các kết quả vẫn còn hạn chế và thách thức vẫn còn rất lớn.

Do đó, chính sách nên tập trung vào việc ngăn chặn sự gia tăng của việc sử dụng ô tô. Bên cạnh đó, bằng mọi giá, thành phố phải cho xây dựng một hệ thống giao thông công cộng hợp lý và hoàn chỉnh dựa trên các phương tiện BRT (hệ thống xe buýt nhanh), MRT (tàu điện ngầm), đường sắt trên cao hoặc kết hợp.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nguồn lực nào là phù hợp để đầu tư giao thông đô thị trong tình hình ngân sách thu hẹp như hiện nay? Ts. Huỳnh Thế Du cho rằng, cần thiết phải huy động nhiều nguồn lực đầu tư giao thông đô thị. Lựa chọn nguồn lực đầu tư phù hợp quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là “chúng ta cần nhìn vào con số tổng thể (như GDP) - bao nhiêu % GDP dành cho đầu tư giao thông đô thị. Giả sử rằng nguồn lực đầu tư giao thông đô thị 5%GDP, chúng ta sẽ thấy nếu không đến từ ngân sách nhà nước, đầu tư cho giao thông cũng phải đến từ nguồn tư nhân dưới hình thức hợp tác công tư (PPP) hoặc vốn đầu tư nước ngoài.

Điều này đồng nghĩa rằng, nếu chúng ta nhìn vào bức tranh tổng thể, chúng ta phải ước toán được khả năng Tp. Hồ Chí Minh dành được bao nhiêu % vốn cho đầu tư giao thông đô thị. Tiếp theo là cơ chế vốn bởi các nguồn lực tiềm năng của chúng ta là có thể phát huy được và đầu tư giao thông đô thị là đầu tư dài hạn.”

Ts. Huỳnh Thế Du khuyến nghị Nhà nước chỉ nên giới hạn vào những vấn đề đầu tư mà Nhà nước có thể làm và cần làm, những thất bại/khuyết tật của thị trường mà Nhà nước nên can thiệp. Đồng thời, Nhà nước nên mở ra các cơ chế khuyến khích/thu hút tất cả các nguồn lực. Với những nguồn lực yêu cầu suất sinh lợi cao người ta sẽ tìm các dự án hiệu quả để đầu tư. 

T. Sam

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên