MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Nguyễn Đức Kiên: Truy trách nhiệm EVN "không làm gì" không khó!

Phải hiểu điện lực Việt Nam phá sản là không thể, còn mô hình quản trị có thể thay đổi, ví dụ trước đây là Bộ Năng lượng, Bộ Mỏ và Than rồi sau thay đổi mô hình.

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đã bình luận về phát ngôn của Tổng Giám đốc EVN rằng: “Tập đoàn điện lực của 1 quốc gia không được phép vỡ nợ hay phá sản”.

PV:-Thưa ông mới đây Tổng giám đốc EVN khẳng định, mặc dù Tập đoàn phải đứng ra vay nợ cho các công ty con, nhưng sẽ không có rủi ro,Tập đoàn điện lực của 1 quốc gia không được phép vỡ nợ hay phá sản. Thưa ông, ông bình luận như thế nào về việc này? Có thể lý giải sự tự tin này của EVN như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Đức Kiên:- Thứ nhất phải hiểu là ngành điện lực thì không thể phá sản, còn mô hình quản trị ngành điện lực như thế nào và người đứng ra quản trị có thể phá sản hoặc thay đổi.

Theo tôi hiểu, ý của lãnh đạo EVN là ngành điện lực Việt Nam không bị phá sản không phải vì đó là EVN mà, mà bởi đó là điện lực Việt Nam.

Trường hợp này khác với xăng dầu. Xăng dầu thì có thể phá sản bởi vì hiện nay có tới 13 đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Hiện nay chỉ có một đầu mối duy nhất là điện lực Việt Nam. Bởi với hệ thống truyền tải điện, kể cả nhà nước cũng không đứng ra đầu tư từ đầu hệ thống này được vì quá tốn kém.

Mạng lưới hiện có chúng ta đầu tư dựa trên kết quả thu được của Pháp. Xuyên suốt quá trình từ năm 1958 sau khi khôi phục nền kinh tế đến nay mới có được cơ ngơi như vậy.

Như vậy, phải hiểu điện lực Việt Nam phá sản là không thể, còn mô hình quản trị có thể thay đổi, ví dụ, trước đây là Bộ Năng lượng, Bộ Mỏ và Than rồi thay đổi mô hình.

PV:-Thưa ông, phát ngôn này của Tổng Giám đốc EVN được đưa ra trong bối cảnh trước đó một ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phải nói thẳng về hiệu suất lãi trên vốn của EVN chỉ 1% chẳng lẽ EVN “không làm gì”. Theo ông sự xuất hiện hai phát ngôn liên tiếp chứng tỏ điều gì?

TS Nguyễn Đức Kiên:- Tôi nghĩ cả hai phát ngôn đều hợp lý. Khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo nếu EVN chỉ đặt chỉ tiêu 1% hiệu suất lãi trên vốn là "không làm gì", nghĩa là phương thức quản trị EVN hiện nay là không được.

Phương thức quản trị sẽ bao gồm cả hạch toán kinh doanh, trong đó lại có hoạt động công ích, ngoài ra là những trách nhiệm trả nợ khác. Nghĩa là xem xét hiệu quả phải yêu cầu hạch toán cho đúng, đủ. Nếu làm lợi nhuận chỉ 1% thì bao nhiêu là làm công ích và nếu chỉ có làm sản xuất kinh doanh không mà có 1% là không chấp nhận.

Về mặt nguyên tắc đã gọi là doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đảm bảo có lợi nhuận. Cần buộc EVN phải tách ra, trừ phần làm nghĩa vụ dịch vụ công, còn lại lãi bằng nào, sau đó trừ dịch vụ công chia trên tổng tài sản của EVN mới ra con số lợi nhuận.

PV:-Bình luận về hiệu quả làm ăn của EVN, TS Nguyễn Đình Cung có nói, Bộ chủ quản đã không giao nhiệm vụ rõ ràng cho EVN nên mới để xảy ra tình trạng trên. Tuy nhiên dư luận vẫn có nhiều băn khoăn về trách nhiệm quản lý cụ thể của các Bộ chủ quản với Tập đoàn nhà nước, liệu có xảy ra tình trạng các Bộ muốn nhưng “lực bất tòng tâm”. Là thành viên UBKT của Quốc hội, ông bình luận như thế nào về những băn khoăn này của dư luận?

TS Nguyễn Đức Kiên:- Tôi nghĩ là dư luận băn khoăn cũng có cơ sở. Nếu muốn quy trách nhiệm thì phải xem lại ngay từ đầu năm Bộ chủ quản giao cho EVN làm những gì.

Tôi không bình luận theo từng năm mà không có số liệu. Có điều, muốn đánh giá thì phải nhìn chung một năm. Ví dụ trong một năm mà Bộ Công thương không giao cho EVN một chỉ tiêu phát triển nguồn, chỉ tiêu phát triển lưới, giảm tổn thất đường truyền… thì là trách nhiệm của Bộ. Trong trường hợp giao mà sau không đạt được hay không làm gì thì mới là EVN có vấn đề.

Ví dụ, nếu EVN vẫn kéo thêm nguồn vào, đại tu kéo thêm mạch đường dây 500kV nữa, lợi nhuận và lãi suất thì vẫn bằng không. Lý do là chi vào đầu tư, chi vào dịch vụ công hết rồi. Lúc này lợi nhuận của EVN phải được hiểu là họ đã làm thêm được đường dây 500kV…

Khi đánh giá một doanh nghiệp phải đánh giá trên tổng thể báo cáo tài chính của họ tổng dư nợ, dư có, tài sản có, vốn ngắn hạn, dài hạn, khấu hao… chứ không thể nhìn vào một điểm rồi bình luận.

Nếu muồn biết EVN không làm gì có phải do Bộ chủ quản đã không giao nhiệm vụ rõ ràng thì phải kiểm tra ngay từ đầu nhiệm vụ Bộ giao cho doanh nghiệp thế nào, sau đó kiểm tra lại xem theo Nghị định về tổ chức bộ máy của Bộ đó thì họ giao nhiệm vụ như vậy đã hết trách nhiệm chưa...

Ngoài ra, cũng cần xem xét những công việc mà Chính phủ ủy quyền cho bộ đó quản lý thì giao nhiệm vụ cho những doanh nghiệp trọng điểm đã hợp lý chưa.

Tóm lại, để truy trách nhiệm của Bộ chủ quản với doanh nghiệp không có gì khó khăn cả.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bích Ngọc

cucpth

Đất Việt

Trở lên trên