MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đức Thành: Lo DN tư nhân sẽ “lụi” vì thuế, phí khi hội nhập

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành lo ngại DN tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa sẽ đuối sức khi chịu tác động kép, vừa chịu áp lực cạnh tranh với DN nước ngoài, vừa phải “cõng” trên vai nhiều loại thuế phí.

Trước mối “đe doạ” giảm nguồn thu ngân sách khi Việt Nam giảm thuế theo cam kết khi tham gia các Hiệp định thương mại, chính sách đang có xu hướng đưa thêm nhiều loại thuế, phí mới… Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), lo ngại DN tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa sẽ đuối sức khi chịu tác động kép, vừa chịu áp lực cạnh tranh với DN nước ngoài, vừa phải “cõng” trên vai thêm nhiều loại thuế phí.

Thưa ông, việc tham gia hội nhập sâu rộng các hiệp định thương mại tự do đặt ra vấn đề là các dòng thuế cũng phải cắt giảm và ảnh hưởng tới thu ngân sách. Vậy điều này có tác động thế nào đến ngân sách nói chung và các DN nói riêng?

Ảnh hưởng của các dòng thuế tới thu ngân sách rất phức tạp. Càng hội nhập sâu thì nguồn thu trực tiếp từ xuất nhập khẩu sẽ giảm xuống nhưng thương mại tăng trưởng lên. Gần đây, Việt Nam có khuynh hướng dịch chuyển nguồn thu khai thác nội địa nhiều hơn nhằm cân bằng, duy trì nguồn thu, khi mà thu thuế từ xuất nhập khẩu giảm đi do phải thực hiện theo cam kết từ các hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, điều này lại đặt ra một lo ngại, đó là khi hội nhập kinh tế, Việt Nam vừa phải tự do hoá, giảm thuế, vừa tăng sức cạnh tranh với bên ngoài. Song cùng một lúc DN Việt Nam phải thực sự cạnh tranh trực tiếp với DN nước ngoài ngày càng nhiều hơn hơn, và đây là một sức ép lớn.

Thứ hai là khi nguồn thu của Chính phủ giảm xuống, thì Chính phủ sẽ có xu hướng chuyển hướng nguồn thu vào trong nước và DN nội địa sẽ phải chịu nhiều loại thuế hơn.

Đây là hai gánh nặng và sức ép lớn, trong khi DN tư nhân lại là động lực, tăng trưởng chính của nền kinh tế, và cũng là bài toán hội nhập đặt ra với Việt Nam.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng chính sách thuế hiện nay đang khuyến khích DN rất nhiều như việc giảm Thuế Thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN) thời gian qua và điều này đã hỗ trợ giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh?

Thực tế Thuế TNDN đã giảm, và chính sách đó đã hỗ trợ cho DN. Tôi đồng ý về danh nghĩa thì Thuế TNDN đã giảm, song đây không phải là vấn đề nguồn thu mà là cạnh tranh chính sách thuế giữa các nước trong khu vực.

Cũng bởi, nếu chính sách thuế không giảm Thuế TNDN xuống thì không thu hút đầu tư và DN nước ngoài sẽ rời khỏi Việt Nam, nên việc giảm thuế là tất yếu trong chính sách phải làm. Song, một vấn đề đặt ra là nguồn thu vẫn phải duy trì, nên chính sách thuế hiện nay lại đặt ra nhiều loại phí, thuế khác.

Ta phải nhìn vào thực chất vấn đề, không có loại thuế nào thực chất giảm về mặt danh nghĩa, và nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách Nhà nước, cuối cùng thì vẫn là các đối tượng trong nước, tức là DN, người dân hay người lao động.

Ông có thể dẫn ra ví dụ là các loại thuế, phí mới hiện nay đang tạo “gánh nặng” cho người dân và DN?

Chính sách hiện đang giảm Thuế TNDN để cạnh tranh, giảm thuế xuất nhập khẩu để hội nhập nhưng lại tăng những loại thuế khác. Không chỉ thuế mà còn phí để lách dễ hơn và Nhà nước có thể kiểm soát được.

Ví dụ như thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dầu; chính sách giá điện hiện nay không duy trì được giá năng lượng thấp cũng là cách để Nhà nước tăng nguồn thu và tất cả đều đánh vào chi phí sản xuất của DN.

Hay chính sách hiện nay khiến người lao động và DN phải đóng tiền bảo hiểm chiếm tới trên 30% trong quỹ lương.

Hoặc điển hình là với thị trường ô tô, theo lộ trình hội nhập thì Việt Nam giảm thuế, song chúng ta lại đưa ra thuế tiêu thụ đặc biệt để duy trì nguồn thu từ ô tô.

Cơ quan làm chính sách đưa ra nhiều lý do cho việc thu loại thuế này như môi trường, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được. Song quan điểm của tôi thì mục đích cuối cùng cũng chỉ là để duy trì nguồn thu mà thôi.

Vậy khuyến nghị của ông với chính sách thuế hiện nay để làm sao đảm bảo tính hài hoà giữa ngân sách và khuyến khích DN phát triển?

Chúng ta cần nhìn bản chất vấn đề, khi hiện nay tăng trưởng và động lực kinh tế đến từ khu vực tư nhân là các DN vừa và nhỏ.

Do đó, cần phải tạo động lực cho khối này trong tăng trưởng thì mới tạo động lực chính để hội nhập thành công.

Chính sách cũng cần tập trung vào khu vực này, như cải cách thể chế, hành chính, tạo ra môi trường kinh doanh và đầu tư thực sự ổn định để khu vực tư nhân thực sự phát triển. Còn nếu ta dựa nhiều vào khu vực FDI, khu vực Nhà nước thì sẽ không duy trì hội nhập bền vững.

Đây là điều đáng lo ngại mà ta đã nhìn thấy rõ khi khối FDI đang lấn lướt DN tư nhân của ta trong hội nhập, đặc biệt sau khi ta gia nhập WTO từ 2007 đến nay.

Xin cảm ơn ông!

Cẩm An (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên