MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tự do hóa thương mại: Ngại nhất chứng nhận xuất xứ

Vấn đề mấu chốt của các DN dệt may để hưởng ưu đãi GSP là cần đàm phán với khách hàng để có thể được mua và nhập nguyên phụ liệu từ các nước trong khu vực hưởng ưu đãi GSP, như mua trong nước, mua từ các thị trường khác như Thái Lan, Malaysia...

Hệ thống ưu đãi thuế quan (GSP) sửa đổi của Liên minh châu Âu (EU) đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Theo đó, Việt Nam được hưởng chế độ GSP đối với tất cả các mặt hàng, kể cả những mặt hàng như giày dép, mũ nón, ô dù. Điều này tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm và DN dệt may Việt Nam trên thị trường EU, khi mà đối thủ chính là Trung Quốc đang bị ép thuế MFN, cao hơn GSP trung bình 3,5%.

Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh do GSP đem lại không mang tính bền vững vì việc đáp ứng được quy tắc của GSP và thời hạn có hiệu lực của GSP không phải là mãi mãi. Hay nói cách khác, lợi thế cạnh tranh do GSP đem lại là lợi thế “ngoại sinh”, không phải là lợi thế “nội sinh”.

Đặc biệt, hệ thống này dự kiến sẽ chấm dứt khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU kết thúc đàm phán và bắt đầu có hiệu lực, khoảng cuối năm 2016.

Về phía DN, khó khăn chính của việc tận dụng các lợi thế từ GSP chính là việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ nguyên liệu để xin được C/O form A (biểu mẫu được hưởng ưu đãi). Theo đó, 2 trường hợp là sản xuất có xuất xứ toàn bộ và sản phẩm có thành phần nguyên liệu nhập khẩu. Ngay với DN quy mô lớn như Tổng công ty May 10, hiện tại tiêu chuẩn ở trường hợp 1 chưa đáp ứng được.

Cụ thể là đối với hàng FOB, hiện các nguyên liệu chính (vải) mà May 10 sử dụng vẫn do khách hàng chỉ định, chủ yếu nhập từ Trung Quốc (không nằm trong quy tắc xuất xứ cộng gộp). Chỉ có một số ít đơn hàng, nguồn nguyên liệu chính nhập từ Thái Lan (5%). Tuy nhiên, khách hàng cũng không yêu cầu cấp form A. Các phụ liệu DN tự mua chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 10%). Vì thế, May 10 không thể xin được C/O form A cho hàng FOB.

Đối với hàng gia công, khách hàng gửi nguyên liệu cho May 10 sản xuất nhưng nguồn chính cũng không phải từ các nước trong khu vực được ưu đãi, hoặc có thì số lượng không đáng kể. Một số đơn hàng gia công, khách hàng cũng chỉ định May 10 mua vải trong nước.

Tuy nhiên, May 10 cũng chưa phải làm form A cho khách hàng, do số lượng còn hạn chế và thị trường xuất khẩu cũng không phải là các nước được hưởng ưu đãi thuế. Như vậy, mặc dù hệ thống GSP dành nhiều ưu đãi, thuận lợi cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam, nhưng nhiều DN vẫn rất khó để có thể tận dụng được các ưu đãi đó.

Vấn đề mấu chốt của các DN dệt may để hưởng ưu đãi GSP là cần đàm phán với khách hàng để có thể được mua và nhập nguyên phụ liệu từ các nước trong khu vực hưởng ưu đãi GSP, như mua trong nước, mua từ các thị trường khác như Thái Lan, Malaysia... May 10 cho biết, với các dự án ODM (original designed manufacturer, nhà sản xuất thiết kế gốc) đang xây dựng, DN sẽ tập trung vào việc phát triển mở rộng các nhà cung cấp từ ASEAN để có thể tận dụng lợi thế của GSP.

Ở một tầm vĩ mô hơn, nếu DN Việt Nam có thể liên kết, tận dụng các nguồn vốn đầu tư trực tiếp để sản xuất nguyên phụ liệu ngay từ trong nước là điều tốt nhất. Tuy nhiên, hiện tại thì các DN Việt Nam vẫn chưa làm được điều đó.

May 10 và các DN Việt Nam hy vọng đề nghị miễn quy định về xuất xứ nguyên liệu, tức là chỉ cần gia công tại Việt Nam được cấp C/O form A, sẽ đạt được trong hiệp định TPP; hay khi hiệp định FTA Việt Nam - EU được ký kết thì cũng không áp dụng quy định xuất xứ của nguyên liệu.

Nếu vậy, DN dệt may xuất khẩu Việt Nam sẽ có rất nhiều thuận lợi. Còn ngược lại, vấn đề sẽ khá đau đầu với hầu hết DN.

Theo Hà Sơn

cucpth

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên