MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

UBGSTCGQ: Không còn dư địa để thực hiện các chính sách kích thích kinh tế

Dự báo về những tháng còn lại của năm 2015, Ủy ban Giám sát cho rằng, nhiều khả năng không có biến động lớn, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì, tăng trưởng tiếp tục hướng tới mục tiêu cả năm là 6,5%

Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô 10 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2015 do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa công bố có nhấn mạnh: Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm vẫn đạt mức 6,5% (so với cùng kỳ 2014). UBGSTCQG giữ nguyên dự báo từ đầu năm về mức tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2015.

Về lạm phát cơ quan này cho rằng, mức lạm phát thời gian quan thấp và ổn định. Mặc dù trong tháng 10 lạm phát (so cùng kì năm trước) giảm xuống 0% (bằng mức của tháng trước đó) nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức 2,4%, là mức ổn định của lạm phát cơ bản trong suốt 8 tháng gần đây.

Căn cứ diễn biến của giá dầu, UBGSTCQG giữ nguyên dự báo lạm phát năm 2015 ở mức 2%.

Bên cạnh đó, lạm phát ở mức thấp trong năm 2015 là nhân tố để duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Do vậy, theo UBGSTCQG, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức lãi suất thấp hợp lý trong năm 2015.

Phát hành TPCP năm 2015 khó khả thi nếu không điều chỉnh kỳ hạn

Về thu ngân sách, năm 2015 tổng thu ngân sách nhà nước dự báo vẫn đạt và vượt dự toán. Tính lũy kế 15/10 tổng thu NSNN đạt 709,8 nghìn tỷ đồng, bằng 77,9% dự toán, tăng 5,6% so cùng kỳ (cùng kỳ 2014 đạt 85,9% dự toán, tăng 17,5%).

Thu ngân sách tăng khá nhờ đóng góp lớn từ các khoản thu nội địa, tuy nhiên, thu sản xuất kinh doanh (chiếm tới 75,6% thu nội địa theo dự toán 2015) lại có mức tăng chậm hơn so cùng kỳ 2014, kể cả sau khi đã loại trừ nguồn thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại của DNNN.

Nếu lại trừ số thu cổ tức và lợi nhuận được chia từ DNNN thì thu từ khu vực SXKD 9 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng 8,7% so với mức tăng 9,4% của năm 2014.

Mặc dù vậy, ước tính đến cuối năm thu ngân sách sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra, cụ thể: tổng thu ngân sách ước đạt 927,5 nghìn tỷ đồng, vượt 1,8% so với dự toán và đạt mức tăng 7,4% so với cùng kỳ 2014.

Báo cáo cũng cho biết, kế hoạch phát hành TPCP năm 2015 khó khả thi nếu không có điều chỉnh thích hợp về kỳ hạn.

9 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành TPCP đạt 127.473 tỷ đồng bằng 51% kế hoạch năm với tỷ lệ trúng thầu/ gọi thầu ở mức 53,8%. Lãi suất phát hành tăng nhẹ ở kỳ hạn 5 và 10 năm lên mức tương ứng là 6,65% và 7%, lãi suất kỳ hạn 15 năm giữ nguyên ở mức 7,65%.

Theo ước tính, nếu không được phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn TPCP và điều chỉnh cơ chế lãi suất thích hợp thì dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được khoảng 160.000 tỷ đồng, hụt 90.000 tỷ so với kế hoạch và số huy động không đủ để thanh toán khối lượng gốc và lãi TPCP đến hạn.

Lạm phát năm 2016 sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp

Dự báo về những tháng còn lại của năm 2015, Ủy ban Giám sát cho rằng, nhiều khả năng không có biến động lớn, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì, tăng trưởng tiếp tục hướng tới mục tiêu cả năm là 6,5% như dự báo trước đây.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế các quý tiếp theo có xu hướng chậm lại một phần do kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm, một phần do cơ cấu kinh tế trong nước chậm được cải cách, chưa tạo được động lực mới cho tăng trưởng, trong khi đó, dư địa chính sách (tài khóa và tiền tệ) ngày càng bị thu hẹp, khó có thể thực thi chính sách kích thích kinh tế.

UBGSTCQG dự báo năm 2016, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giao động trong khoảng 6,5% - 6,7%. CPI sẽ cao hơn năm 2015 do giá cả một số mặt hàng cơ bản và dịch vụ công tiếp tục được điều chỉnh.

Tuy nhiên, do giá cả trên thị trường quốc tế tiếp tục thấp và cầu trong nước chưa tăng mạnh, CPI được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp, khoảng 3,5% - 4,5%, tùy thuộc vào mức độ cải cách giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công.

Trên cơ sở dự báo môi trường kinh tế 2015, UBGSTCQG kiến nghị chính sách vĩ mô những tháng cuối năm và 2016 cần tập trung ưu tiên cho hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng trong nước.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên