MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ước tính nhập siêu 500 triệu USD trong tháng đầu năm 2015

Ước tính tháng 1 cả nước nhập siêu 500 triệu USD; bằng 3,9% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 1,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 690 triệu USD.

Đáng chú ý:

- Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 năm nay ước đạt 12,9 tỷ USD; tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

- Km ngạch hàng hóa nhập khẩu cả nước tháng 1 ước đạt 13,4 tỷ USD; giảm 4,5% so với tháng trước và tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước.

- Một số mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch tăng cao so với tháng trước như: Điện thoại các loại và linh kiện; hạt tiêu; gạo; điện tử, máy tính và linh kiện …


Tổng cục thống kê vừa công bố tình hình kinh tế – xã hội cả nước tháng 1 năm 2015. Theo đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 năm nay ước đạt 12,9 tỷ USD; tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo từng khu vực, khu vực kinh tế trong nước đạt 4,4 tỷ USD; tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 8,2 tỷ USD; tăng 0,1%; dầu thô đạt 290 triệu USD, giảm 30%, chủ yếu do giá xuất khẩu dầu thô giảm 21,1% so với tháng trước.

Một số mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch tăng cao so với tháng trước như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 34,6%; hạt tiêu tăng 20,2%; gạo tăng 13,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 10,9%; sắn và sản phẩm của sắn tăng 8,4% …

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu tháng 1 năm 2015, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 2,6 tỷ USD; tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014. Theo sau đó là thị trường EU đạt 2,4 tỷ USD, tăng 10,5%; ASEAN đạt 1,5 tỷ USD, tăng 3,7%; Trung Quốc đạt 1,4 tỷ USD, giảm 2,5%. Nhật Bản đạt1,3 tỷ USD, tăng 4,9%; Hàn Quốc đạt 610 triệu USD, tăng 13,5%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả nước tháng 1 ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,5% so với tháng trước và tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực FDI đạt 7,8 tỷ USD, giảm 2,4%; khu vực kinh tế trong nước đạt 5,6 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước.

Trong tháng 1, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh so với tháng trước như: lúa mỳ giảm 33%; dầu mỡ động thực vật giảm 25,4%; tân dược giảm 25%; sắt thép giảm 22,1%; xăng dầu giảm 19,2%; hóa chất giảm 18,4%; chất dẻo giảm 13,4%; giấy các loại giảm 10,5%...

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu tháng 1 năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 4,2 tỷ USD; tăng mạnh với 47,1% so với cùng kỳ năm 2014. Thị trường ASEAN đạt 2 tỷ USD, tăng 26,6%; Hàn Quốc đạt 1,9 tỷ USD, tăng 12,6%; Nhật Bản đạt 1,2 tỷ USD, tăng 66,6%; EU đạt 788,2 triệu USD, tăng 32,4%; Hoa Kỳ đạt 580 triệu USD, tăng 34,1%.

Như vậy, ước tính tháng 1 cả nước nhập siêu 500 triệu USD; bằng 3,9% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 1,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 690 triệu USD.

Trước đó, Tổng cục thống kê công bố tình hình xuất nhập khẩu năm 2014 với mức xuất siêu đạt 2,1 tỷ USD; tăng 100 triệu USD so với ước tính và ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.

>>>Năm 2014, Việt Nam nhập siêu gần 15 tỷ USD từ Hàn Quốc

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên