MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ủy ban TCNS: Ủng hộ Chính phủ phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ

Tuy nhiên cơ quan này lưu ý là khoản vay này phải bảo đảm nguyên tắc chi phí vav vốn nước ngoài thấp hơn hoặc bằng chi phí vay trong nước.

Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện triển khai Nghị quyết 78/2014/QH13 về công tác phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) và tái cơ cấu nợ Chính phủ của Ủy ban Ngân sách tài chính Quốc hội cho biết: Tổng giá trị TPCP được phát hành thành công trên thị trường sơ cấp chỉ đạt khoảng 127.473 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch phát hành cả năm.

“Nếu tiếp tục thực hiện phát hành TPCP chỉ từ 5 năm trở lên thì từ nay đến cuối năm 2015 sẽ không huy động đủ lượng vốn cần thiết để đáp ứng nhu cầu chi thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội” – Báo cáo nêu.

Từ tình hình trên, Thường trực ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ báo cáo và kiến nghị Quốc hội cho phép phát hành trở lại các loại kỳ hạn TPCP ngắn hạn và dài hạn (đa dạng hóa kỳ hạn TPCP).

Theo báo cáo của Chính phủ, nếu không phát hành đa dạng hoá các kỳ hạn TPCP thì dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được khoảng 160.000 tỷ đồng, hụt 90.000 tỷ đồng so với kế hoạch.

Chính phủ đề xuất đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP tại thị trường trong nước với tỷ lệ khối lượng TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên vào khoảng 60-70% tổng khối lượng phát hành tùy vào tình hình thị trường trong giai đoạn 2016-2020.

Về việc phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế, đa số ý kiến trong Thường trực ủy ban TCNS cho rằng, trong bối cảnh huy động nguồn lực từ phát hành TPCP trong nước, vốn vay ODA,... gặp nhiều khó khăn thì việc xem xét, cho ý kiến về chủ trương phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế là cần thiết.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc thận trọng việc phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế vì việc phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế chưa hẳn là một giải pháp hiệu quả và tối ưu nhất để bảo đảm an toàn, an ninh tài chính về nợ công vì việc vay mới không làm giảm nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Bên cạnh đó, nội dung tờ trình chưa làm rõ ưu thế, chi phí của việc phát hành TPQT so với phát hành tại thị trường trong nước và chưa tính đến các yếu tố rủi ro liên quan đến lãi suất, tỷ giá khi phát hành ra thị trường quốc tế, chưa đánh giá kỹ về tính khả thi, lộ trình phát hành.

Kết luận: Thường trực ủy ban TCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép vay ngoại tệ để cơ cấu lại danh mục các khoản vay trong nước có thời hạn trả nợ trong năm 2015-2016, với tổng mức vay tối đa không vượt quá 3 tỷ USD.

Tuy nhiên cơ quan này lưu ý là khoản vay này phải bảo đảm nguyên tắc chi phí vav vốn nước ngoài thấp hơn hoặc bằng chi phí vay trong nước để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ và đưa nội dung này vào nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên