MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn còn mối lo về tốc độ tăng trưởng

Với cách tính hiện nay thì chưa sòng phẳng, không đủ độ minh bạch cần thiết cho những người làm chính sách hay Quốc hội khi quyết định các vấn đề bội chi có thể đưa ra quyết định đúng đắn.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu nhìn vào chính sách mà Chính phủ đưa ra mang tính chất dài hạn thì rất đúng, nhưng đáng tiếc trong thực tế, Việt Nam vẫn bị mối lo về tốc độ tăng trưởng thấp, cứ nghĩ khu vực tư nhân quá yếu không tăng trưởng được nên chỉ muốn bơm tiền vào cho khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tăng trưởng. Rút cục, những ý tưởng trong chính sách tốt nhiều khi lại không thực hiện được, mà những cái không thuận thì lại được nhấn mạnh, thực thi.

Theo ý kiến của các chuyên gia, thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng đến chính sách trọng cung. Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?

Chính sách trọng cầu ở Việt Nam thể hiện rõ nhất là quá chú trọng đến tăng nguồn tiền bằng cách bơm tiền vào xã hội, kích thích để có thêm vốn cho đầu tư. Hậu quả là làm cho hệ số ICOR cao lên, nghĩa là sử dụng đồng tiền kém hiệu quả hơn. Thời gian tới, ý kiến của các chuyên gia là chú ý đến trọng cung là rất hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các ngành kinh tế đang bị suy giảm, làm cho nền kinh tế dù có đạt tốc độ tăng trưởng vài phần trăm nhưng hoàn toàn không vững chắc, và có thể biến mất rất nhanh.

Còn nếu chú trọng đến chính sách trọng cung, có nghĩa quan tâm tới cải thiện môi trường kinh doanh để cho các DN, đặc biệt các DN trong khu vực sản xuất, như: công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… có thể phát triển hiệu quả. Thúc đẩy cải cách DNNN, cổ phần hóa, rút bớt những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ để chuyển mạnh sang các khu vực có hiệu quả hơn hoạt động.

Thưa bà, Quốc hội đã đồng ý nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3%. Điều này có đi ngược quan điểm trọng cung hơn trọng cầu không?

Thẳng thắn thì đây là đi ngược với những cải cách mà chúng ta đang mong muốn. Không những nâng trần bội chi mà khả năng cho phép mở rộng thêm như cho phát hành trái phiếu, như vậy không phù hợp với yêu cầu về chuyển hướng sang trọng cung, và có thể làm cho những mục tiêu tăng trưởng bền vững khó có thể đạt được.

Việc nâng trần bội chi ngoài hệ lụy đi ngược quan điểm trọng cung thì có có hệ lụy gì nữa không, thưa bà?

Nó có thể làm cho nợ công tiếp tục tăng lên. Hiện nay, những người làm chính sách vẫn tuyên bố nợ công đang trong tầm kiểm soát, nhưng kiểm soát theo cách cố tình nâng lên để nói là vẫn trong tầm kiểm soát thì không ổn. Ngoài ra, nợ công theo cách tính của Việt Nam chưa tính đến phần nợ của DNNN và các địa phương. Đây là 2 phần nợ rất lớn, nếu cộng lại thì nợ công của Việt Nam đã vượt quá 100% GDP. Có nghĩa thực sự nợ công đã ở ngưỡng báo động rồi, chứ không còn đang ở ngưỡng an toàn nữa.

Với cách tính hiện nay thì chưa sòng phẳng, không đủ độ minh bạch cần thiết cho những người làm chính sách hay Quốc hội khi quyết định các vấn đề bội chi có thể đưa ra quyết định đúng đắn.

Đánh giá tổng quan của bà về nền kinh tế trong năm 2014?

Điều này phụ thuộc rất lớn vào việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế ra sao. Nếu vẫn làm theo cách xử lý trong ngắn hạn, chẳng hạn lo tăng trưởng thấp lại tiếp tục bơm thêm tiền vào nền kinh tế, nâng trần bội chi lên, mở rộng khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ… để có thêm vốn đầu tư. Đồng thời vẫn muốn dùng khu vực nhà nước làm động lực chính để tăng trưởng thì Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Yêu cầu tái cơ cấu kinh tế là phải làm sao khu vực công có hiệu quả cao hơn, kể cả khu vực DNNN, đầu tư công, ngân hàng thương mại nhà nước phải sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn lực mà họ đang nắm trong tay. Bởi đây là nguồn lực chính của đất nước, buộc họ phải sử dụng hiệu quả.

Để làm được điều này thì phải giám sát cho tốt, giảm bớt sự tham lam trong đầu tư của khu vực nhà nước, chuyển sang cho khu vực tư nhân làm. Tạo cơ chế để khu vực tư nhân có thể phát triển. Đây mới là những yêu cầu chính của tái cơ cấu. Nếu chúng ta vẫn "loanh quanh" với bài toán đầu tư của Nhà nước ngày càng mở rộng như hiện nay thì e rằng bức tranh kinh tế 2014 - 2015 sẽ vẫn chưa có sự cải thiện.

Nhắc đến vấn đề cải thiện đầu tư công, một trong những vướng mắc, theo các chuyên gia đánh giá, là từ việc tái cấu trúc DNNN?

Ở đây có 2 khu vực liên quan rất chặt chẽ với nhau là DNNN và đầu tư công. Bởi DNNN là người đang thực hiện và sử dụng vốn đầu tư công rất lớn; còn đầu tư công trong rất nhiều trường hợp lại là do "sáng kiến" hoặc đề xuất của DNNN mà thúc đẩy các địa phương đưa ra dự án này, dự án kia… kết cục là đẩy gánh nặng lên đầu tư công. Và DNNN là người được hưởng lợi khi thực hiện các dự án đó. Vì vậy, muốn cải cách đầu tư công tốt thì cũng phải đồng thời tái cơ cấu DNNN cho tốt.

Ngoài ra, tái cơ cấu đầu tư công với DNNN cũng gắn rất chặt với việc định hình DNNN như thế nào. Nếu cả Chính phủ và Quốc hội là 2 nhân tố quyết định nhất cho đầu tư công mà vẫn còn "vương vấn" muốn tăng trưởng thì phải có đầu tư, mà đầu tư chủ yếu là từ Nhà nước thì sẽ rất khó có thể giảm bớt đầu tư công.

Vậy cần phải áp dụng cơ chế thị trường, thưa bà?

Có nghĩa đòi hỏi các DNNN làm dự án phải tính trên cơ sở mục tiêu lợi nhuận hoặc hiệu quả kinh tế, phải chấp nhận nguyên tắc lời ăn lỗ chịu. Còn hiện nay, các DNNN lời thì họ bỏ túi, lỗ thì đẩy sang cho xã hội. Chẳng hạn, trường hợp Vinashin ai cũng biết, bây giờ chuyển đổi thành một công ty nhỏ hơn nhưng toàn bộ gánh nợ của Vinashin có biến mất đâu, nó vẫn phải "đổ" vào đâu chứ.

Rút cục, công ty mới chỉ gánh một phần, phần còn lại được chia đều cho cả xã hội. Đây là điều hết sức bất cập, còn chưa kể lời đó là do vị thế độc quyền mà được lợi chứ không phải do kinh doanh giỏi.

Theo Việt Nguyễn

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên