MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vấn đề lớn từ thủy điện nhỏ

Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần trước, thông tin từ báo cáo rà soát quy hoạch thủy điện của Chính phủ cho biết tính đến tháng 9-2013 đã loại bỏ 424 dự án

Không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình thủy điện trên tổng số 1.239 dự án đã được quy hoạch.

Khoan bàn đến chuyện 1/3 dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch vì nhiều lý do, con số 1.239 dự án thủy điện được quy hoạch khiến nhiều người sửng sốt. Như vậy, tính trung bình mỗi tỉnh, thành phố được quy hoạch gần 20 dự án thủy điện.

Thủy điện là năng lượng sạch, tái tạo, nguồn điện quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia, nhưng liệu chúng ta cần thiết phải có nhiều dự án thủy điện đến như vậy. Bởi lẽ thủy điện cũng kéo theo nhiều hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến đời sau.

Những thông tin liên quan đến thủy điện gần đây là thí dụ sinh động cho thấy việc phát triển ồ ạt thủy điện đang để lại hậu quả mà người dân vùng hạ lưu là đối tượng trực tiếp phải gánh chịu. Một trong những mục tiêu của thủy điện là góp phần phòng chống lũ cho vùng hạ lưu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, nhưng thực tế mỗi khi có bão, thủy điện đua nhau xả lũ khiến dân thiệt hại đủ đường vì lũ chồng... lũ.

Vào đầu tháng 10, khi cơn bão số 10 đi qua, các thủy điện ở phía thượng nguồn Quảng Nam liên tục xả lũ xuống các huyện vùng hạ du, khiến nhiều vùng bị chia cắt, cô lập, nhiều nhà dân ngập lút đến nóc, người dân lại một phen la trời vì “ông thủy điện”. Mới đây nhất, do hoàn lưu bão số 11, các hồ thủy điện ở Gia Lai, Kon Tum cũng đang ồ ạt xả lũ...

Một hệ lụy khác đã được nêu ra nhiều là phát triển ồ ạt thủy điện gây ra tình trạng mất rừng nghiêm trọng. Theo ước tính của nhiều chuyên gia, với 1MW thủy điện sản xuất sẽ có khoảng 16ha rừng bị mất. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, để làm 160 dự án thủy điện, cả nước đã mất 20.000ha rừng, trung bình 125ha rừng cho 1 dự án.

Đây quả là cái giá quá đắt mà chúng ta và cả con cháu sẽ phải trả. Bên cạnh đó, đặc điểm khu vực xây dựng các thủy điện ở nước ta có độ nhạy cảm sinh thái cao như các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng nguyên sinh còn sót lại, vùng biên giới. Đó cũng là nơi định cư lâu đời của các dân tộc thiểu số giàu bản sắc văn hóa nhưng đa số nghèo đói, sống dựa vào thiên nhiên nên dễ bị tổn thương.

Phát triển thủy điện đã gây ảnh hưởng rất lớn đến bảo tồn đa dạng sinh học. Đến nay có 119 thủy điện liên quan đến 47 khu rừng đặc dụng, mỗi khu bảo tồn của vườn quốc gia “cõng” 2,5 dự án thủy điện. Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều dự án nhất là Cát Tiên 6 dự án, Hoàng Liên 5 dự án, Sông Tranh 7 dự án.

Trong báo cáo mới đây gửi các đại biểu Quốc hội, Chính phủ thừa nhận hầu hết bất cập đều nằm ở các dự án thủy điện nhỏ. Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng nhận định chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ rất hạn chế. Không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư.

Điều đáng nói, số lượng thủy điện nhỏ chiếm đến 90% trong quy hoạch nhưng đóng góp về công suất chỉ 26%. Tỷ trọng này thực tế còn thấp hơn nữa khi việc rà soát lại đã loại bỏ đến hơn 400 dự án. Sự an toàn của các công trình thủy điện nhỏ cũng vẫn là vấn đề đáng lo ngại.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về an toàn hồ chứa, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định các công trình thủy điện có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30MW tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do một số chủ đập chưa thực hiện đầy đủ quy định về quản lý an toàn đập.

Tổng cộng có 144/166 đập đến hoặc quá kỳ hạn kiểm tra an toàn, nhưng hiện chưa tới 1/3 tổng số thực hiện xong và chỉ 36 đập có phương án bảo vệ đập được phê duyệt. Đây quả là những con số đáng lo ngại bởi các hồ chứa thủy điện, dù quy mô nhỏ vẫn giống như những “quả bom nước” lơ lửng trên đầu dân nếu công tác quản lý an toàn đập không được quan tâm.

cucpth

Theo Sài gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên