MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vay nợ mới để đảo nợ cũ: Bao giờ mới cân đối được ngân sách?

Đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định trong luật lấy ngay khoản vay mới để trả nợ gốc sẽ dẫn đến ngân sách nợ nần triền miên.

Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), một số đại biểu đã bày tỏ ý kiến không đồng tình về nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước được quy định trong Khoản 3, Điều 7 của Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Tại mục này, Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) quy định việc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển và bảo đảm bố trí ngân sách để trả hết nợ lãi khi đến hạn. Đối với chi trả nợ gốc khi đến hạn được bố trí từ các khoản vay mới theo quy định của pháp luật để thực hiện.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên- Huế băn khoăn cho rằng có sự mâu thuẫn trong quy định này. Phần đầu quy định bội chi ngân sách chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, nghĩa là chỉ sử dụng đầu tư phát triển không làm việc khác. Nhưng tiếp sau đó, nguồn này cũng được quy định dùng để trả nợ gốc đến hạn, như vậy là nguồn này đã chi cho cả hai mục tiêu.

“Tôi không đồng ý với quy định lấy khoản vay mới để trả nợ gốc đến hạn. Mục đích vay là để đầu tư phát triển, tức là đầu tư để tạo ra thu nhập tăng thêm. Khi đi vay, chúng ta tính toán làm thế nào để khoản vay đó có hiệu quả quả kinh tế - xã hội. Nhưng khi quy định lấy ngay khoản vay mới để trả nợ gốc sẽ dẫn đế nhiều hệ lụy”, Đại biểu Đồng Hữu Mạo nói.

 

Đại biểu Đồng Hữu Mạo cũng cho rằng, nếu áp dụng quy định này sẽ không thấy hiệu quả của việc sử dụng vốn vay, che lấp sử dụng yếu kém của vốn vay. Mặt khác, quy định này làm cho chủ thể đi vay ít bị áp lực khi đi vay, ít quan tâm đến hiệu quả sử dụng vay dẫn đến tùy tiện đi vay và vay rất nhiều.

Hơn nữa, quy định này sẽ dẫn đến ngân sách nợ nần triền miên và không bao giờ cân đối được ngân sách. Bởi vì, lấy vay mới trả nợ cũ, năm này qua năm khác, quyết định ngân sách như thế sẽ không thoát ra được khỏi nợ nần ngân sách, cứ nợ nần triền miên.

“Trước đây chúng ta hay nói là đáo nợ, nhưng chỉ là cách nói để giảm lo âu, thực chất vẫn là lấy nợ vay để đi trả nợ gốc. Khi những khoản bội chi ngân sách luôn cao hơn khoản đầu tư phát triển, thì chính khoản chênh lệch cao hơn đó đã được vay về để chi thường xuyên”, Đại biểu Đồng Hữu Mạo chỉ rõ.

Đồng tình với nhận định này, Đại biểu Lê Đình Khanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, quy định của luật trước là vay bội chi ngân sách chỉ để bù đắp thiếu hụt do đầu tư phát triển, không có chuyện làm vào việc khác. Kỳ này nội dung này đã được đưa hẳn vào luật để trả nợ lãi vay đến hạn, đi vay nợ mới về để đảo nợ cũ rõ ràng là một bước thụt lùi.

“Nên chăng ta quay trở lại như quy định cũ, chỉ vay để đầu tư phát triển nếu chúng ta thu được ít ngân sách, một nền kinh tế vĩ mô không thể ổn định vững chắc khi thu không đủ chi. Nếu thu không đủ chi, phải đi vay và trông chờ ở khoản vay để chi thì làm sao có ổn định vững chắc về kinh tế vĩ mô được”, Đại biểu Lê Đình Khanh trăn trở nói.

Không đồng tình với quy định vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, Đại biểu Trương Thị Huệ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên phân tích, trong điều kiện nợ công của hiện nay, nếu cứ đến hạn trả nợ gốc lại đi vay mới để chi trả thì e rằng rất khó khăn, dẫn đến không buộc phải tiết kiệm ngân sách để trả nợ và quy định như vậy cũng không phù hợp với Điều 30 của Luật quản lý nợ công.

“Nợ gốc khi đến hạn mà không bố trí ngân sách để trả được phải vay để đảo nợ thì Chính phủ phải báo cáo Quốc hội, UBND các tỉnh, thành phố, phải báo cáo HĐND cùng cấp để quyết định. Quốc hội, HĐND quyết định mức bội chi này nếu chưa có nguồn để trả thì Quốc hội, HĐND cũng cần phải biết và phải chịu trách nhiệm”, Đại biểu Huệ nêu ý kiến.

Đề xuất ý kiến vào nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước, Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nếu quy định vay bù đắp bội chi ngân sách phải đảm bảo nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được đầu tư phát triển. Đã là đầu tư phát triển thì đương nhiên sẽ tạo nguồn lực cho những năm tiếp theo.

“Luật kỳ này nên quy định sau bao nhiêu năm phải tiến hành cân đối để giá trị đó tạo ra nguồn thu cho ngân sách, để ngân sách tích lũy, cân đối để trả nợ khi nợ quá hạn. Nếu cứ duy trì việc vay mới trả nợ cũ đến hạn, rồi lại vay mới như hiện nay tình trạng nợ sẽ kéo dài triền miên, nợ quá hạn ngày càng nhiều”, Đại biểu Hồng cho biết./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên