Hứa trước Quốc hội hồi tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng có nói rằng
Chính phủ sẽ đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc. Nhưng, lời
hứa này, đang đứng trước nguy cơ tổn thương, bởi sự “lời qua tiếng lại”
ngày càng gia tăng giữa các bộ.
Sự việc gần đây nhất,
Ngân hàng Nhà nước đăng tải chính thức trên website của mình để bác bỏ
phát ngôn của một thứ trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cuộc họp
báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh dịch vụ và đầu tư ngày 26/3/2013,
về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho đồng bằng sông Cửu Long. Trong
khi, sự việc lẽ ra chỉ cần hai “nhà” ngồi lại với nhau là đủ, chứ không
nhất thiết phải ầm ĩ như vậy.
Câu chuyện có hay không sự tranh
chấp thực hiện số định danh cá nhân giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an cũng
là đề tài khiến dư luận đang bàn tán râm ran.
Bộ
Công an thì cho rằng “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính,
giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân
cư” do Bộ Tư pháp xây dựng có nhiều điểm trùng với Đề án xây dựng cơ sở
dữ liệu dân cư quốc gia mà Bộ Công an đang triển khai. Còn Bộ Tư pháp
thì khẳng định “làm từ gốc”.
Tỏ ra nhanh chân hơn, ngày 19/3, Bộ
Tư pháp gửi thông báo rộng rãi cho giới truyền thông giới thiệu toàn bộ
về đề án của bộ mình. Một thành viên trong ban soạn thảo đề án của Bộ Tư
pháp nói: “Số định danh là số của Chính phủ nhưng Bộ Công an lại đang
muốn làm theo hướng của riêng mình. Chúng tôi xây dựng đề án này theo
chỉ đạo của Chính phủ để điều chỉnh việc Bộ Công an đang làm”.
Đi
sau một bước, trả lời báo chí ngày 25/3, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó
tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn
xã hội (Tổng cục 7 - Bộ Công an) nhận định: “Việc trùng nhau này có thể
dẫn đến lãng phí, tốn kém ngân sách”.
Được đẩy lên cao trào như
vậy, nên khi Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp)
Ngô Hải Phan có “kết” lại rằng cả hai bộ Công an và Tư pháp cùng phối
hợp thực hiện và sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành Công an và Tư pháp
theo tiến độ đề ra sẽ bảo đảm đến 2020, toàn bộ công dân nước ta đều có
số định danh cá nhân, thì dư âm về sự “tranh giành” giữa hai bộ vẫn là
khó phai.
Nổi tiếng với các phương án thu phí bất chấp sự phản
ứng dữ dội từ dư luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng
bỗng nhiên trở nên rất lắng nghe khi cho rằng “vì tiếp thu ý kiến của
dân” nên ông quyết định rút lại đề xuất phạt xe không chính chủ.
Theo
dự thảo Nghị định 71 được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến các ban
ngành và người dân ngày 26/3, nội dung phạt chủ phương tiện không chuyển
quyền sở hữu phương tiện đã được bãi bỏ. Mặc dù, trước đó, cả hai bộ
Công an và Giao thông khi ngồi cùng nhau đều đã tỏ ra khá đồng thuận về
quy định này.
Không giấu sự “tổn thương” khi trong chốc lát
thành cô đơn như vậy, Bộ Công an thể hiện tinh thần quyết phạt. Kết quả
là do không thống nhất được hai bộ Công an và Giao thông trong việc loại
bỏ hay duy trì quy định xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ cho
phương tiện, nên dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ, ban soạn thảo đã
đặt quy định này trong nhóm các vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Lại
có một “va chạm” khác. Chiếc mũ bảo hiểm đã không chỉ còn là chiếc mũ,
khi ngày 14/3, Bộ Tư pháp ra thông cáo báo chí “bác” thông tư liên tịch
giữa 4 bộ Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Công an, Giao thông - Vận
tải đã ký.
Bộ Tư pháp dẫn giải rành mạch: Vừa qua liên Bộ Khoa
học và Công nghệ, Công Thương, Công an, Giao thông - Vận tải đã ký Thông
tư liên tịch số 06 ngày 28/02/2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu,
kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe
đạp máy (sau đây gọi tắt là Thông tư số 06).
Sau khi ký Thông tư
số 06, dư luận xã hội đã thể hiện việc không đồng tình với quy định
“Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy
điện), xe đạp máy đội mũ bảo hiểm không phải mũ bảo hiểm quy định tại
khoản 1 điều 3... khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành
chính theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực giao thông đường bộ” (khoản 2 điều 10 Thông tư số 06)...
Sau
khi khẳng định, quy định buộc người dân phải biết mũ thật, mũ giả và là
căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính nêu ra tại Thông tư số 06 là thiếu
thuyết phục, Bộ Tư pháp có cho biết đã chủ trì cuộc họp với các cơ
quan, tổ chức có liên quan để thống nhất dừng phát hành Thông tư này. Bộ
Tư pháp còn nêu rõ, tại cuộc họp đó, trong 4 bộ đã cùng tham gia đặt
bút ký vào thông tư liên tịch, 3 bộ đều có đại diện đến dự, chỉ vắng đại
diện Bộ Công an.
Theo Lê Châu