Việt Nam rất có giá trong TPP
Nhận định trên được ông Trương Đình Tuyển, cố vấn đàm phán của Chính phủ đưa ra tại hội thảo “Cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam khi Hiệp định TPP có hiệu lực” do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế TBLA tổ chức chiều 19-2 tại TP.HCM.
- 18-02-2016Dệt may châu Á lo sốt vó trước sức mạnh TPP đem lại cho Việt Nam
- 18-02-2016Hiệp định TPP: Vào mất 5 năm, ra chỉ cần 6 tháng
- 16-02-20163 nhóm đối tượng sẽ gặp khó khi tham gia TPP
- 16-02-2016Nhiều doanh nghiệp Việt sẽ "mang chuông đi đánh xứ người" sau TPP
- 15-02-2016Thông điệp về TPP từ bài viết của Thủ tướng Chính phủ
Theo ông Trương Đình Tuyển, về kinh tế, trong tương lai Việt Nam là nước đem lại giá trị gia tăng lớn thứ 2 cho Hoa Kỳ, sau Nhật Bản. Về chiến lược, Việt Nam là một nước có trình độ thấp nhất trong các nước tham gia TPP, do đó, Việt Nam sẽ là hình mẫu để Hoa Kỳ thúc đẩy các nước khác trên vành đai Thái Bình Dương tham gia đàm phán khu vực mậu dịch tự do APEC. Ngoài ra, Việt Nam cũng có vị trí địa chính trị rất quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Trên cơ sở đó, TPP mở ra những cơ hội rất lớn cho Việt Nam về các mặt thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu, tiếp nhận công nghệ mới, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh…
Tuy nhiên, song hành với cơ hội cũng là những thách thức không nhỏ. Trước tiên, đó là sự cạnh tranh quyết liệt trên cả ba cấp độ sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Trong đó cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh là yếu tố quyết định. Tiêu biểu như các sản phẩm nông nghiệp, thách thức lớn nhất vẫn là đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Nếu không đảm bảo, dù thuế nhập khẩu của các nước được đưa về 0%, hàng hóa dồi dào, chủng loại phong phú nhưng chất lượng kém vẫn không xuất khẩu được.
Ông Tuyến nhấn mạnh, cơ hội tự nó không biến thành lợi ích, không tự nó biến thành sức mạnh trên thị trường. Tương tự, thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng ép đến đâu còn tùy thuộc vào đối sách của chủ thể. Chủ thể ở đây là nhà nước và doanh nghiệp.
Vậy làm thế nào để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức? Theo ông Tuyển, việc trước tiên là các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải năm vững các cam kết của Việt Nam và 11 đối tác để thực thi cho đúng. Nếu không sẽ bị kiện khi thực hiện không đúng cam kết và cũng không biết để kiện lại khi đối tác vi phạm.
Hầu hết các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, vấn đề giải quyết tranh chấp là thách thức không nhỏ của Việt Nam khi tham gia TPP. Luật sư, PGS.TS Chu Hồng Thanh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định, khi tham gia TPP, chắc chắn sẽ có những tranh chấp nảy sinh. Do đó, việc nghiên cứu sâu các quy định về giải quyết tranh chấp đã được ghi nhận trong Hiệp định TPP là một việc không thể bỏ qua.
Theo các chuyên gia, hệ thống thực thi pháp luật của Việt Nam hiện còn yếu, sự phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chưa tốt. Đội ngũ nhân lực về pháp luật còn yếu về nhiều mặt. Do đó, ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, các luật sư của Việt Nam cần thành thạo ngoại ngữ và nắm vững các cam kết trong hiệp định, trong đó đặc biệt chủ ý các chương về pháp lý thể chế, đầu tư, sở hữu trí tuệ và cả WTO…; nắm vững các công ước quốc tế có liên quan đến xử lý tranh chấp được dẫn chiếu trong hiệp định…
Liên quan đến vấn đề cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Tuyển đánh giá, chỉ số cạnh tranh toàn cầu và môi trường kinh doanh của Việt Nam đang ở mức thấp và là vùng trũng trong ASEAN. Theo báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2015 -2016 do WEF công bố, chỉ số cạnh tranh về thể chế - một yếu tố quyết định của cạnh tranh vĩ mô, Việt Nam xếp thức 92 trong số 140 nước được xếp hạng và đứng thứ 8 trong 10 nước ASEAN (thấp hơn các nước ASEAN-6 và thấp hơn cả Lào).
Cũng theo báo cáo này, các chỉ số mà DN có vai trò quyết định đến khả năng cạnh tranh vi mô, Việt Nam có thứ hạng rất thấp: xếp thứ 99 về sự sẵn sàng về công nghệ, sự tinh thế trong kinh doanh xếp thứ 106, đổi mới sáng tạo xếp thứ 87. Về môi trường kinh doanh, theo đánh giá của WB, năm 2015, Việt Nam xếp thứ 78, tụt 6 hạng so với năm 2014.
Từ thực tế đó, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, để cải thiện môi trường kinh doanh, yếu tố quyết định chính là cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô.
Báo Hải Quan