MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Việt Nam vay vốn từ AIIB tốt hơn vay trực tiếp Trung Quốc”

“Tôi nghĩ rằng Việt Nam đi vay từ AIIB tốt hơn vay trực tiếp Trung Quốc, vì ít nhiều ở ngân hàng này có sự hiện diện của các quốc gia thành viên và sáng lập ngoài Trung Quốc”.

Việt Nam cùng nhiều quốc gia Đông Nam Á đã sớm gia nhập dự án Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

Mặc dù chưa chính thức đi vào hoạt động, ngân hàng này khiến giới quan sát lo ngại về sự chi phối của Trung Quốc, mức độ quản lý cân bằng, kiểm duyệt các khoản vay dựa trên mức độ ảnh hưởng đối với môi trường và đảm bảo biện pháp an toàn xã hội.

Trước các ẩn số này, Việt Nam với tư cách thành viên sáng lập cần lưu tâm một số điều để tránh rủi ro, ông Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Kinh tế và chính trị thế giới, cho hay.

Sáng lập ra Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Trung Quốc có mục tiêu gì thưa ông?

Thứ nhất, Trung Quốc đang có thế lực về mặt kinh tế. Họ đang thực hiện chính sách tận dụng các thế mạnh kinh tế để mở rộng ảnh hưởng của mình.

Thứ hai, kế hoạch này tạo nên một đối trọng với hệ thống trước đây của Mỹ hoặc phương Tây

Tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm hiện tại?

Hiện giờ, bản thân khu vực châu Á đang phát triển mạnh mẽ, nên nhu cầu vốn phát triển cơ sở hạ tầng khá cao.

Trong khi đó, bản thân ngân hàng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) có tiêu chuẩn khá khắt khe, dẫn đến một số nước có nhu cầu nhưng không đạt được hết các tiêu chí để vay vốn.

Lúc này, Trung Quốc có tiền, lại đang muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Nên đây có thể là “khe” để họ lách vào, tiến hành hiện thực hóa ý đồ.

Tiếp đó, vào thời điểm này, chính Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch dịch chuyển đầu tư ra bên ngoài, giảm tải hoạt động đầu tư đang dư thừa trong nước.

Tóm lại, đây là kết hợp của nhiều tình thế, cả từ nội tại Trung Quốc và tình hình thế giới.

Tôi đánh giá quyết định thành lập AIIB của Trung Quốc vào thời điểm này là một lựa chọn khôn ngoan.

Ông Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Kinh tế và chính trị thế giới. 

Ông Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Kinh tế và chính trị thế giới. 

Trong khi Trung Quốc đang thúc giục IMF bổ sung nhân dân tệ vào rổ tiền tệ, liệu AIIB có vai trò gì trong tham vọng quốc tế hóa bản tệ của Bắc Kinh?

Tôi cho rằng là có, nhưng không nhiều. Vì hiện tại chưa có thông tin chính thức về đồng tiền sẽ được sử dụng trong thanh toán.  Nhưng tôi nghĩ chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ở một khía cạnh nào đó.

Việt Nam sẽ được lợi gì khi tham gia AIIB?

Khi là nước sáng lập, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nằm trong các chương trình phát triển của Việt Nam có thể sẽ được ưu tiên.

Nếu chứng minh được đó là các dự án có tính liên kết trong cả khu vực, quá trình vay vốn có thể sẽ được tạo thuận lợi hơn.

Nhưng bản thân Trung Quốc đã trúng tới 90% dự án tổng thầu EPC ở Việt Nam. Bắc Kinh rót tới gần 50% vốn điều lệ cho AIIB, liệu nó có khiến Việt Nam thêm phụ thuộc vào nguồn vốn từ nước này?

Tôi nghĩ rằng Việt Nam đi vay từ AIIB tốt hơn vay trực tiếp Trung Quốc, vì ít nhiều ở ngân hàng này có sự hiện diện của các quốc gia thành viên và sáng lập ngoài Trung Quốc.

Đối với các dự án hiện nay đang huy động nhiều vốn từ nhà thầu Trung Quốc, Việt Nam có thể bị chi phối gần như 100%.

Còn nếu Việt Nam vay tiền từ AIIB, tôi cho rằng Trung Quốc khó lòng có thể tận dụng lợi thế để đưa ra các yêu cầu độc đoán.

Nói tới sự giám sát của các quốc gia thành viên, Mỹ và Nhật Bản lại đang đặt câu hỏi về độ minh bạch của ngân hàng này, theo ông đó có là điều đáng ngại?

Rõ ràng đây là một yếu tố đáng lo ngại. Khi Trung Quốc là nhà đầu tư chính, trụ sở ngân hàng lại đặt ở Trung Quốc, dứt khoát nước này sẽ có mức độ chi phối nhất định trong quyền bỏ phiếu. Câu hỏi là mức độ đó là bao nhiêu? Mục tiêu tài trợ các dự án minh bạch đến đâu? Tiêu chuẩn đảm bảo về mặt tài chính ra sao?

Nên bản thân một số phương Tây ban đầu muốn phản đối, nhưng tôi nghĩ nếu họ đứng ngoài, Trung Quốc càng có đất để chi phối.

Cá nhân tôi cho rằng Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn mà sẽ tìm ra phương sách để thay đổi cuộc chơi, nhằm khắc chế sự độc đoán của Trung Quốc, nếu có.

Là một nước gần với Trung Quốc về mặt địa lý và chịu nhiều ảnh hưởng về mặt giao thương, Việt Nam cần lưu ý gì để tránh bị tác động tiêu cực từ sức ép từ bên ngoài?

Tôi cho rằng sức ép là không nhiều vì bên ngoài AIIB còn có ADB để vay vốn. Chắc chắn trong tương lai, Mỹ và Nhật Bản sẽ phải cải cách ADB để nâng cao khả năng tiếp cận của ngân hàng, cạnh tranh tốt hơn với AIIB.

Còn nếu có bị tác động, cái chính là ở Việt Nam chứ không phải do AIIB.

Chúng ta cần có quan hệ tốt với các đối tác khác trong hệ thống AIIB, họ có thể gây áp lực theo hướng có lợi cho Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thảo Mai

PV

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên