MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vô can trước 750 tỉ đồng?

Sự kiện các ngân hàng thương mại sẽ chia nhau đống sắt phế liệu, gỉ sét tại dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi (Khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh) để thu hồi số vốn đã cho vay lên tới trên 750 tỉ đồng đang khiến cho dư luận sục sôi trong những ngày qua.

Chuyện là, dự án sản xuất gang thép triển khai từ năm 2008, nhưng sau khi vay được tiền, những người chủ dự án tiến hành mua máy móc, thiết bị. Và chỉ thế thôi. Không có sản xuất gì hết. Máy móc, thiết bị hàng trăm tỉ phơi mưa phơi nắng từ bấy đến nay, phần thì mất mát, số còn lại thì thành sắt phế liệu. Một cán bộ ngân hàng ở Hà Tĩnh chua chát nói rằng, cũng phải chia nhau đống sắt phế liệu để thu hồi vốn thôi.

Rất nhiều câu hỏi dư luận đòi hỏi phải được giải đáp: Có ai phải chịu trách nhiệm cá nhân về một số lượng tiền rất lớn của dân giao cho các ngân hàng làm ăn nhưng kết cục bị mất trắng như vậy không? Trong những năm qua, các đơn vị thanh tra, kiểm tra của các ngành, của nội bộ ngành ngân hàng, của Ngân hàng Nhà nước đã làm gì với con số 750 tỉ đồng vốn nằm trong sắt phế liệu đó?

Những người am hiểu về kinh tế nói rằng việc các ngân hàng thương mại cam kết đầu tư 85% tổng vốn của dự án là một kiểu “đánh bạc”, tự nhận về mình quá nhiều rủi ro. Do vậy, những nghi vấn về việc chỉ cần có dòng tiền luân chuyển để hưởng phần trăm nên các dự án dù thấy trước rủi ro, thất bại trong tương lai vẫn được triển khai, giải ngân không phải không có cơ sở. Không thể nói rằng, không có ai phải chịu trách nhiệm cá nhân trước con số 750 tỉ đồng đã giải ngân để rồi mất trắng trong dự án gang thép này được.

Bởi nếu vậy, sẽ tạo ra những tiền lệ, những cách nghĩ, cách làm vô cùng nguy hiểm đối với nền kinh tế. Chưa có cơ sở để kết luận có hay không việc cố ý làm trái các quy định về cho vay vốn, giải ngân vốn vay dẫn đến hậu quả làm mất vốn nhà nước; nhưng rất rõ ràng là tình trạng vô trách nhiệm kinh khủng trước một khối lượng tài sản to lớn của dân. Giải ngân tiền để mua máy móc, thiết bị nhưng không hề có sự giám sát, bảo vệ tài sản hình thành từ vốn vay.

Người dân có quyền đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm lên tiếng trước vụ việc này. Phải công bố cho nhân dân biết tập thể, cá nhân nào ở các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm trước số vốn 750 tỉ đồng cho vay để rồi nhận về sắt phế liệu; và gắn với trách nhiệm đó là cách thức xử lý hậu quả. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước phải làm rõ việc trong nhiều năm qua Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có biết vụ 750 tỉ vốn ngân hàng mua máy móc, thiết bị về phơi mưa phơi nắng tại Hà Tĩnh?

Theo Lâm Chí Công

Báo Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên