"Với
một nền kinh tế đang "ốm yếu", việc dư nợ tín dụng những tháng qua tăng
thấp cho thấy một xu hướng bất bình thường đang diễn ra giống như quá
trình "lưu thông máu" cho một cơ thể đang bị "ốm nặng", đã bị đình trệ
hầu như hoàn toàn trong suốt nửa năm".
Nhìn lại nền kinh tế những tháng qua, Ts. Trần Đình Thiên - Viện trưởng
Viện Kinh tế Việt Nam, ví von cho rằng: "Với một nền kinh tế đang "ốm
yếu", việc dư nợ tín dụng những tháng qua tăng thấp cho thấy một xu
hướng bất bình thường đang diễn ra giống như quá trình "lưu thông máu"
cho một cơ thể đang bị "ốm nặng", đã bị đình trệ hầu như hoàn toàn trong
suốt nửa năm".
Năm 2013 được dự báo là tiếp tục khó khăn và nguy cơ lạm phát cao hơn
năm 2012. Theo quan điểm của ông Thiên, thì không cần, không nên đặt mục
tiêu tăng trưởng cao. Mà Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên dồn sức cho
nhiệm vụ tái lập ổn định vĩ mô. Phải dành nhiều nguồn lực cho các đột
phá tái cơ cấu, không thể chỉ dành cho tăng trưởng như các năm trước.
Cung, cầu đều gặp khó
"Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 có thể và nên chỉ đặt ở mức 3 - 4%
và cũng chỉ được coi là mục tiêu định hướng", ông Thiên nhấn mạnh. Tuy
nhiên, vấn đề đặt ra là trong năm 2013 và các năm tiếp theo, vốn đầu tư
có còn tiếp tục duy trì được mức độ tăng trưởng như năm 2012 không (đặc
biệt là vốn đầu tư của khu vực nhà nước)?
Một điểm chú ý là khi
đầu tư công (ĐTC) của nửa cuối năm 2012 như đập phá và xây dựng trụ sở
mới của các cơ quan nhà nước, mua sắm xe cộ, đào và lát lại vỉa hè lòng
đường có thể sẽ làm trực tiếp tăng GDP của chính năm đó (2012) nhưng
cách thực hiện vốn đầu tư kiểu này không hề lan toả cho các năm sau, ĐTC
như vậy là không hiệu quả.
Thêm vào đó, hiện cả người tiêu
dùng (NTD) và nhà đầu tư (NĐT) đều khá thận trọng trong chi tiêu, dẫn
tới khả năng mở rộng sản xuất sẽ rất khó. Như vậy có thể thấy nền kinh
tế hiện đang thực sự khó khăn cả ở phía cung lẫn cầu. Cung yếu làm suy
giảm cầu, và cầu suy giảm sẽ không kích thích được cung. Với tình hình
như vậy, có thể việc tăng ĐTC đang có nguy cơ đi ngược lại với mục đích
ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
 |
Dành nhiều nguồn lực cho các đột phá tái cơ cấu kinh tế |
Việc giảm lãi suất được cộng đồng DN và các bên có liên quan hoan
nghênh, coi đây là giải pháp cơ bản có thể giúp DN giảm chi phí vốn,
tăng khả năng tiếp cận vốn đối với DN. Tuy vậy, các DN vẫn cho rằng trên
thực tế, chi phí mà họ phải thanh toán để vay vốn là cao hơn và khả
năng tiếp cận vốn trên thực tế chưa được cải thiện.
Ts. Nguyễn
Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
(CIEM), cho rằng các giải pháp nói chung đều mới chỉ nhắm đến các nguyên
nhân trực tiếp. Về cơ bản là "ngược lại" đối với các giải pháp kiềm chế
lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Một phần không nhỏ phần "cung" của nền
kinh tế được hình thành trước đây có thể đã quá mức hoặc không tương
thích với "cầu" hiện tại và tương lai của nền kinh tế. Vì vậy không thể
tạo ra cầu giả tạo để giải quyết các thành phần về cung của nền kinh tế.
Điều đáng nói thêm là trong khi các giải pháp hỗ trợ DN chưa phát huy
tác dụng như mong muốn, chi phí sản xuất và giá thành chưa giảm được,
thì giá xăng dầu, điện lại điều chỉnh tăng liên tục. Nhiều quy định mới
ban hành cũng tăng thêm đáng kể chi phí tuân thủ đối với các DN trong
ngành có liên quan. Chẳng hạn, một quả trứng gà phải chịu thêm 5 loại
phí trước khi đến được với NTD; phí bảo vệ môi trường đánh vào túi PE
làm tăng chi phí thêm 0,1 USD/kg đối với hàng thủy sản xuất khẩu (XK)…
"Tài khóa luôn có xu hướng mở rộng, bội chi gia tăng. Thu cao, chi
nhiều. Nhưng khi thu giảm, không bền vững thì chi không thể giảm đột
ngột được. Ít khi chúng ta thảo luận có từng này tiền thì phải làm gì để
hiệu quả, mà chủ yếu tập trung thảo luận tiền đang thiếu, phải làm gì
để huy động thêm", ông Cung nói.
Nợ xấu là chủ đề "nóng"
Trước những khó khăn gay gắt và nhiều mặt của DN, những thảo luận, kiến
nghị về các giải pháp tháo gỡ, chia sẻ khó khăn đối với DN luôn là chủ
đề nóng. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cần sự dũng cảm vượt
qua định kiến để điều hành hài hòa giữa Nhà nước và thị trường; DN nhà
nước (DNNN) và tư nhân, nội địa và nước ngoài. Không những đảm bảo đòi
hỏi hội nhập, mà cả quy trình của quá trình này. Hiện quy trình đang bị
làm ngược bằng cách cho phép độc quyền điều chỉnh giá theo thị trường.
Đây là điểm căn bản rất quan trọng. Và phải hướng tới giảm lợi ích nhóm,
tham nhũng và tăng trách nhiệm giải trình, giữ được lợi nhuận trong
DNNN. Với tư nhân phải đảm bảo ổn định, nhất quán.
"Nhà nước
cần quan tâm hỗ trợ DN. Cần chú ý không chỉ quyền sử hữu trí tuệ, đảm
bảo pháp lý và hạ tầng đầu ra. Dường như chúng ta để mặc DN, người dân
"chiến đấu" với bên ngoài. Nhà nước nên coi đây là nhiệm vụ cần chú ý
nhiều hơn" ông Phong đề xuất.
Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ
Đình Ánh, hiện có vấn đề ở cách tiếp cận nợ xấu: thay vì nhận về mình,
tất cả các bên đều đẩy lỗi cho người khác - DN thì đẩy cho ngân hàng,
ngân hàng đẩy DN, địa phương đẩy Trung ương và ngược lại… Trong khi đó,
câu hỏi cần phải làm gì trong vấn đề này, liên quan đến các bên và giải
quyết ra sao thì không ai chịu nhận. Chương trình tái cơ cấu hệ thống
của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có vấn đề ngay từ đầu: "Khi chúng ta
tiến hành tái cơ cấu ngân hàng, trọng tâm được đặt ra là xử lý nợ xấu,
nhưng lại không biết chính xác con số nợ xấu của DNNN là bao nhiêu? Vậy
nên trong Đề án tái cơ cấu không hề có khẳng định DNNN có trả lại tiền
được hay không".
"Nợ xấu đang trở thành vấn đề lớn, gây "nghẽn
mạch" nền kinh tế. Nguyên nhân cũng đã được kể ra rất nhiều, việc còn
lại bây giờ chỉ là các cơ quan đồng lòng ngồi lại với nhau và đưa ra
hướng giải quyết càng sớm càng tốt. Nếu không, cái giá mà chúng ta phải
trả sẽ càng ngày càng đắt hơn", ông Ánh nói.
Các chuyên gia tài
chính cho rằng nợ xấu hiện đã trở thành vấn đề mang tính chất quốc gia
và chỉ có Chính phủ mới có thể giải quyết được. Và muốn giải quyết được
thì có thể phải sử dụng tới 60 - 70% tiền từ Ngân sách Nhà nước. Tuy
nhiên, theo thống kê, tính tới tháng 10, chưa bao giờ thu ngân sách lại
khó khăn đến như vậy (ít nhất trong 10 năm trở lại đây). Cụ thể, đến
ngày 15/10, tổng thu ngân sách là 523.000 tỷ đồng, chi 678.000 tỷ đồng.
Dự toán thu ngân sách đạt 70% và chi đạt 75%.
-----------------------------------
Giảm bớt các quy định hành chính vào thị trường
Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV
------------------------------------
Tỷ lệ DN nhỏ và vừa (DNNVV) tham gia vào các chương trình hỗ trợ của
Chính phủ, như: Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Quỹ đổi mới
khoa học công nghệ... còn rất khiêm tốn (dưới 10%). Việc tiếp cận hạn
chế này còn bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu thông tin, hoặc thủ tục quá
phức tạp. Chính phủ đã triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ
vốn cho các DNNVV, như: bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ tín dụng. Tuy nhiên,
trên thực tế thì mới có một số lượng nhỏ DN được thụ hưởng chính sách
hỗ trợ này.
Qua khảo sát, có đến 55% gặp trở ngại do thủ tục
vay (hồ sơ vay vốn phức tạp, không có thủ tục vay vốn đơn giản cho các
DNNVV); 50% gặp trở ngại yêu cầu thế chấp (thiếu tài sản có giá trị cao
để thế chấp, ngân hàng không đa dạng hóa tài sản thế chấp, như: hàng
trong kho, các khoản thu...); 80% gặp trở ngại tỷ lệ lãi suất chưa phù
hợp.
Các điều kiện vay vốn hiện nay chưa phù hợp với DNNVV. Chỉ
có 30% DNNVV tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng
vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác với mức lãi suất cao. Vì vậy, Nhà nước
cần trợ giúp bằng hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tạo những điều
kiện thông thoáng nhất cho DN hoạt động (đấu thầu, đất đai, thuế, đầu
tư...).
Chúng ta không nên làm chính sách theo lối không quản
được thì cấm hay hạn chế hay ban hành tùy tiện, thiếu cân nhắc và xa lạ
với thực tế với cuộc sống thường ngày. Giảm bớt các quy định, giấy phép
can thiệp hành chính vào thị trường.
Giảm thuế TNCN chưa thật sự cần thiết
Ts. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế
------------------------------------
Việc miễn giảm thuế TNCN chưa thật sự cần thiết nhằm kích thích tiêu
dùng cuối cùng, do số đối tượng phải nộp thuế TNCN không lớn, hơn nữa
cũng không phải là đối tượng chính cần kích thích tiêu dùng để giải
quyết đầu ra cho các DN Việt Nam. Các DN mong Chính phủ cân nhắc thận
trọng trong quản lý và điều hành thị trường giá cả các nguyên nhiên vật
liệu thiết yếu như xăng dầu, than… Vì dù lạm phát đã và đang có xu hướng
"hạ nhiệt" so với năm 2011, song giá cả của các nguyên nhiên vật liệu
thiết yếu đó tăng lên không chỉ làm chồng chất thêm khó khăn cho giá đầu
vào của DN, mà còn hạn chế khả năng tiêu thụ sản phẩm. Thu nhập khả
dụng của các hộ gia đình có thể dành để tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa
dịch vụ khác bị thu hẹp, một lần nữa lại hạn chế khả năng tiêu thụ sản
phẩm của DN.
Kích cầu là giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay
Ts. Nguyễn Đại Lai - Chuyên gia tài chính ngân hàng
------------------------------------
Sức ì của nền kinh tế đã biểu hiện rõ qua năng lực hấp thụ vốn rất yếu
của DN. Điều này chứng tỏ thị trường hàng hóa và dịch vụ cung đang lớn
hơn cầu, tức là sức mua rất yếu. Điều này khiến cho thị trường vốn bị ứ
đọng, không tìm được nhiều khách hàng có đủ điều kiện cho vay. Nền kinh
tế đang trong trạng thái "thừa vốn, thừa hàng, thiếu tiền". Sự suy giảm
của nền kinh tế đã bộc lộ rõ và DN lao đao. Chính phủ cần có chính sách
kích cầu và coi đây là giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay. Thực tế
kinh tế đã rơi vào trạng thái trì trệ, kích cầu là phải kích mạnh vào
năng lực mua hàng hóa, dịch, vụ chứ không phải kích vào sản xuất hàng
hóa. Giải pháp này dựa trên biểu hiện của lạm phát năm 2012 không khó
kiểm soát, không phải do nhập khẩu, cũng không phải do chi phí đẩy hay
cầu kéo như một số năm trước, mà căn bản là do sức mua của xã hội giảm
sút. Do đó, các chính sách kích cầu cần chỉ rõ, ví dụ như tăng lương,
giảm thuế giá trị gia tăng, mua hàng tạm trữ, giảm lãi suất cho vay...