MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn FDI vào nông nghiệp chưa nhiều: Vì sao?

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên đặc biệt trong khuyến khích FDI.

Tuy nhiên nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa được nhiều. Theo con số thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 4/2014 Việt Nam có đến 16.300 dự án FDI được cấp phép, nhưng lĩnh vực nông nghiệp chỉ có khoảng 500 dự án. Nếu xét về vốn thì chỉ chiếm chưa tới 1,5% tổng số vốn ngoại đầu tư vào nước ta.

Các dự án này lại có sự chênh lệch cao giữa các ngành nghề và phân bố không đều giữa các địa phương. Mặt khác, đối tác đầu tư cũng chủ yếu là các quốc gia có nền nông nghiệp chưa thực sự phát triển cao, trong khi đó rất ít dự án của Nhật Bản, Mỹ và các nước EU.

Ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng: “Thực sự là đầu tư vào nông nghiệp, các đối tác dè dặt hơn bởi mang lại lợi ích chậm hơn, thậm chí là rủi ro. Chúng ta phải có bộ chính sách làm sao để nhà đầu tư cảm giác ít rủi ro và có lợi mới vào đầu tư”.

Ngoài nguyên nhân do liên kết thiếu bền vững trong sản xuất và chính sách, định hướng chiến lược thu hút FDI vào nông nghiệp chưa rõ ràng, vấn đề cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố quan trọng khiến các doanh nghiệp lo ngại.

Đầu tư số vốn gần 100 triệu USD xây dựng 5 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi lớn tại Việt Nam, Tập đoàn De Heus của Hà Lan nhận thấy tiềm năng chăn nuôi tại đây còn rất lớn. Tuy nhiên, đơn vị này cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ cần tăng cường đầu tư hơn nữa để nâng cao cơ sở hạ tầng, nhất là đối với vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc Nhà máy De Heus tại Vĩnh Long nhận xét: “Nhìn chung mặt bằng Việt Nam, phần chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, điều kiện vận chuyển, điều kiện về giao thông còn gặp rất nhiều khó khăn”.

Bên cạnh tập trung tháo gỡ nút thắt về chính sách và cơ sở hạ tầng, bài toán hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư - nông dân và Nhà nước cần được tính toán căn cơ, thấu đáo. Theo các chuyên gia kinh tế, trước tiên cần tạo được cho đối tác một môi trường đầu tư an toàn và hấp dẫn hơn.

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: “Yêu cầu thực tế cần phải xây dựng một chiến lược để thu hút đầu tư nước ngoài, trên cơ sở đó chúng ta định hướng lĩnh vực nào cho nông nghiệp, nông thôn kèm theo đó là hệ thống cơ chế, chính sách giải pháp cụ thể cho lĩnh vực đó. Chúng ta xúc tiến các nhà đầu tư nước ngoài theo thị trường đầu tư, chứ chúng ta không phải ngồi chờ các nhà đầu tư đến tìm hiểu, chính chúng ta là những người chủ động đi xúc tiến”.

Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030 với mục tiêu kêu gọi nguồn vốn FDI để bù đắp nguồn lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp trong giai đoạn tới.

Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện được mục tiêu này, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ và đủ mạnh mới để biến tiềm năng thành thế mạnh thực sự.

>>>

Theo Khánh Long - Lý Của

cucpth

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên