MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ JTC hối lộ: Nhật yêu cầu hoàn tiền giải ngân hợp đồng tư vấn

Nhật Bản yêu cầu Việt Nam hoàn trả số tiền đã giải ngân cho gói hợp đồng tư vấn Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 sau khi JTC tố hối lộ các quan chức đường sắt 80 triệu yên (khoảng 16 tỉ đồng).

Ngày 1-4, tại buổi họp báo thường niên do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ở Hà Nội, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, ông Mori Mutsuya, cho biết vụ Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) là vụ thứ hai phát hiện có xảy ra tình trạng hối lộ tại các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam.

“Để xảy ra vụ thứ hai là rất đáng tiếc, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc để không xảy ra nữa, bởi nếu xảy ra vụ tương tự thứ ba thì chắc chắn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam sẽ bị cắt bởi vốn ODA là từ tiền thuế của nhân dân Nhật Bản và chắc chắn nhân dân Nhật sẽ phản đối, không cho thực hiện ODA của Nhật ở Việt Nam nữa” - ông Mori Mutsuya nêu rõ.

Trả lời câu hỏi phía Nhật Bản có tiếp tục cấp vốn cho Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 nữa hay không, Phó Trưởng đại diện JICA Việt Nam, ông Yamamoto Kenichi, khẳng định quan điểm của JICA là người có lỗi và phải chịu xử lý là người đưa hối lộ và nhận hối lộ chứ bản thân dự án không có lỗi. Phía Nhật Bản yêu cầu phía Việt Nam hoàn trả lại cho JICA số tiền đã giải ngân cho gói hợp đồng tư vấn đó. Sau đó, các chi phí thực hiện dự án sẽ tiếp tục được Nhật Bản cung cấp.

Đại diện JICA cũng cho biết thêm nếu trường hợp tiếp tục cung ứng vốn cho dự án tuyến đường sắt đô thị trên cao số 1, JICA sẽ phối hợp với phía Việt Nam, cụ thể là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch-Đầu tư để hình thành một cơ chế giám sát. Theo đó, cơ chế mới này sẽ áp dụng bên thứ 3 độc lập giám sát và đưa ra các đánh giá vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình triển khai dự án.

Vụ JTC hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam bắt đầu từ ngày 20-3-2014 khi báo The Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) đưa tin Giám đốc JTC Tamio Kakinuma thừa nhận đã chi bất hợp pháp hơn 100 triệu yen cho một số quan chức Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan để nhận được hợp đồng cho các dự án ODA. Riêng tại Việt Nam, JTC hối lộ cho 5 quan chức đường sắt 80 triệu yen (hơn 16 tỉ đồng) từ năm 2008-2012.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam đã vào cuộc quyết liệt, điều tra, làm rõ thông tin tố cáo.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo Điều 281 Bộ luật Hình sự) và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (theo Điều 285 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Ban Quản lý các dự án Đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 bị can, gồm: Trần Quốc Đông (SN 1964), Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Phạm Hải Bằng (SN 1969), Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Phạm Quang Duy (SN 1975), Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Nguyễn Nam Thái (SN 1977), Trưởng phòng Dự án 3, Ban Quản lý các Dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Trần Văn Lục (SN 1958), nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962), Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã nhiều lần làm việc với ông Nguyễn Hữu Bằng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (về hưu năm 2012); và ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 19.460 tỉ đồng (trong đó gần 14.000 tỉ vay của JICA, còn lại là đối ứng trong nước). Dự án do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư; JTC đứng đầu liên danh với các công ty con của Nhật Bản khác và một số công ty Việt Nam được chọn làm nhà tư vấn cho dự án.

>> Bao giờ Việt Nam mới trở thành quốc gia không cần ODA?

Theo Dương Ngọc

PV

Người lao động

Trở lên trên