MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vướng như… thuế rượu bia khi nghị định, thông tư đi trước luật

Theo các doanh nghiệp bia rượu, nước giải khát, các quy định đi trước luật này khiến mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao lên, gây nhiều tác động không mong muốn đến nguồn thu ngân sách, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đối với xã hội.

Năm 2014, sau khi cân nhắc đến việc giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, Quốc Hội đã thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi quy định việc tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt lên thêm 5% mỗi năm kể từ năm 2016 thay vì tăng một lần 15%. Hiện Luật đang tiếp tục được sửa đổi và chờ thông qua ở kỳ họp Quốc hội khóa 13 vào cuối tháng 3/2016.

Trong lúc chờ đợi luật này được thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108, Bộ Tài chính ban hành thông tư 195 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB sửa đổi từ cuối năm 2015 với mục tiêu chính thức hóa quy định mới về cách thức tính thuế TTĐB đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này. Việc này đã gây ra tranh cãi khi mà Nghị định và Thông tư lại đi trước Luật.

Theo các doanh nghiệp bia rượu, nước giải khát, quy định mới sẽ khiến mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao lên và sẽ không đảm bảo được tính ổn định trong tăng trưởng nguồn thu ngân sách Nhà nước, làm tăng hơn nữa chi phí của doanh nghiệp trong lúc các doanh nghiệp sản xuất đang phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với việc gia tăng thuế suất thuế TTĐB như được quy định trong Luật TTTĐB sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Cả Nghị định 108 và Thông tư 195 đều được ban hành vào cuối năm 2015, quá gần thời điểm có hiệu lực là ngày 1/1/2016, do đó sẽ là một gánh nặng và thậm chí doanh nghiệp không thể đáp ứng kịp thời với thay đổi lớn như thế này.

Đại diện Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát dẫn ví dụ, khi thuế bia tăng từ 45% lên 50%, rượu tăng từ 50% lên 55% đã gây tác dụng ngược lại tới thu ngân sách. Năm 2013, 2014 mức nộp thuế của các doanh nghiệp giảm 1,5% và 16,1% so với năm 2012. Đơn cử, nếu năm 2013, ngành bia nộp ngân sách đạt 23.000 tỷ đồng. Tới năm 2015, ngành bia đóng góp cho ngân sách 30.000 tỷ đồng, thấp hơn năm 2014.

Thêm vào đó, cách xác định giá tính thuế TTĐB trong trường hợp bán hàng thông qua cơ sở thương mại trong cùng Tập đoàn như quy định trong Nghị định và Thông tư từ là chưa phù hợp với luật hiện hành, theo đó giá tính thuế TTTĐB là giá bán ra của cơ sở sản xuất.

Vì thế, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế và truy thu thuế. Lãnh đạo một số công ty bia nước ngoài lo lắng khả năng doanh nghiệp của mình có khả năng vô tình vi phạm pháp luật bởi việc áp dụng theo các quy định nói trên sẽ trao một quyền lực rất lớn khó kiểm soát cho cán bộ thuế.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải Khát Việt Nam cho rằng việc tăng thuế TTĐB trực tiếp và gián tiếp sẽ làm tăng biên độ lợi nhuận cho hàng nhập lậu từ bên ngoài, dẫn tới việc gia tăng rầm rộ các hoạt động buôn lậu cùng với việc phát triển của thị trường phi thương mại. Hậu quả là nhà nước thất thu thuế, tốn kém chi phí cho công tác phòng chống buôn lậu.

Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do với ASEAN, EU, đặc biệt là TPP, rất nhiều mặt hàng sẽ được đưa vào lộ trình cắt giảm thuế. Áp dụng ngay các quy định trong Nghị định 108 và Thông tư 195 cùng với các tác động tiêu cực đến từ việc tham gia các Hiệp định này sẽ tác động mạnh và ảnh hưởng đến niềm tin của các doanh nghiệp FDI đã hoạt động tại Việt Nam cũng như các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai, giảm sức cạnh tranh của hàng trong nước, thúc đẩy việc dịch chuyển đầu tư nước ngoài sang các quốc gia lân cận.

Quốc hội, Chính phủ cần nhìn nhận vấn đề này một cách thấu đáo để ngành tiếp tục được phát triển theo đúng quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, tiếp tục đóng góp tốt cho ngân sách. Cải cách có lộ trình rõ ràng, chính sách nhất quán công bằng và đặc biệt là đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô cũng như sự ổn định, tính minh bạch của môi trường đầu tư ở Việt Nam. Do đó cần xem xét lại cơ cấu giá tính thuế cùng điều chỉnh lùi thời gian có hiệu lực của Nghị định 108 và Thông tư 195 sau 1 năm , tới 1/1/2017 để các doanh nghiệp có đủ thời gian tái cấu trúc mô hình kinh doanh cho phù hợp.

Chưa kể các Nghị định 108 và Thông tư 195, bên cạnh 9 loại thuế đóng góp cho ngân sách, hiện tại ngành đồ uống đã và đang chịu sự quản lý của rất nhiều Luật và quy định của Chính phủ như Luật An Toàn Giao Thông, Nghị định 88, Nghị định 94, Luật An Toàn Thực Phẩm, Luật Thương Mại, Luật Quảng Cáo, Luật về Thuế Tiêu Thụ Đặc Biệt … Các cơ quan nhà nước cần tập trung đẩy mạnh việc thực thi có hiệu qủa những chính sách đã ban hành song song song với đánh giá tác động một cách chính xác, khách quan của việc ban hành các quy định/chính sách mới trước khi áp dụng.

Với các quy định hiện hành, trong năm 2015, toàn ngành đã đóng góp 30.000 tỷ đồng vào ngân sách, chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, mức tiêu thụ rượu và nước giải khát là 75 triệu lít và 4,8 tỷ lít. Còn riêng với mặt hàng bia, hiện Việt Nam là quốc gia có mức tiêu thụ bia bình quân theo đầu người khoảng36 lít/người, xếp thứ 52 trên thế giới, thứ 6 tại khu vực châu Á và thứ 4 ở Đông Nam Á.

Đặc biệt, ngoài đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, ngành bia còn tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho khoảng gần triệu lao động. Theo tính toán của Bộ Công thương, dù chỉ chiếm khoảng 3-4% lao động nhưng ngành bia lại tạo ra khoảng 7% giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm nhờ vào năng suất lao động cao hơn các ngành khác.

Số liệu của Tổng Cục Thống kê và Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải Khát Việt Nam cũng cho thấy lượng rượu dân tự nấu không khai báo và nộp thuế cho nhà nước ở mức rất cao, khoảng gần 230 triệu lít. Đây là loại sản phẩm không quản lý được, chất lượng thấp và là nguyên nhân gây ra phần lớn các vụ ngộ độc rượu, gây thất thu hàng trăm tỷ đồng đóng góp ngân sách và là nguyên nhân chủ yếu của việc lạm dụng đồ uống có cồn.

Thông tin này khớp với thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, xét về lượng tiêu thụ bình quân đầu người theo độ cồn tuyệt đối, Việt Nam vẫn nằm ở mức trung bình thấp khoảng 6,6 lít/người song WHO cũng cho biết có tới 4,4 lít thuộc về thị trường phi thương mại.

Theo Hoàng Hòa

Infonet

Trở lên trên