MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WB: Việt Nam đang “phát triển dồn ép”, ngành nào sẽ hưởng lợi?

Việt Nam đang trải qua một làn sóng công nghiệp hóa và thay đổi về cấu trúc chưa từng có, đất nước đang bước vào giai đoạn “phát triển dồn ép”, tạo ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách.

Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu năm 2015.

Việt Nam đã sẵn sàng phát triển nhanh khi hội nhập sâu rộng, song đất nước lại phải đối mặt với những thách thức và nút thắt để phát triển bền vững.

Bài toán chuỗi cung ứng toàn cầu

Phân tích cụ thể hơn, đại diện WB cho rằng Việt Nam đang khai thác các cơ hội tăng trưởng bằng cách hội nhập kinh tế sâu hơn khi tham gia các hiệp định thương mại. Song cũng đặt ra nhiều thách thức trong cải cách thể chế và hỗ trợ DN.

Đơn cử với Hiệp định Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 8%; 17% cho xuất khẩu thực và thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa thêm 12%.

Song WB cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xử lý trong các lĩnh vực như dịch vụ và đầu tư. Đó là việc cải thiện môi trường kinh doanh, các thủ tục hành chính thuế, cổ phần hóa DNNN…

Sự tăng trưởng thương mại đáng kể đã giúp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Song mô hình phát triển hiện nay của Việt Nam khác biệt so với các nước công nghiệp hóa mới nổi. Đó là tập trung phát triển năng lực ở những khẩu cụ thể trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một vấn đề đặt ra, Việt Nam đang gặp nhiều thách thức để tạo ra một vị trí, cấu trúc, thể chế và hạ tầng để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Do đó, trong một quá trình tăng trưởng dồn ép, WB cho rằng Việt Nam cần phải có những chính sách phù hợp để thúc đẩy hoạt động của cơ chế thị trường, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

Ngành nào sẽ có lợi thế?

Hiện Việt Nam cũng đang được xem là một phần của “Công xưởng châu Á”, khi chủ động tham gia vào chuỗi giá trị của các ngành thương mại; nông nghiệp; quần áo và dệt may; thiết bị vận tải và công nghệ thông tin, liên lạc.

Công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, song nông nghiệp vẫn là một ngành quan trọng. Vấn đề đặt ra, là làm thế nào để nông nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, khi hiện Việt Nam vẫn chưa phải là nhà cung cấp trung cập trong chuỗi cung ứng thương mại nông nghiệp toàn cầu.

Xuất khẩu quần áo và hàng dệt may cũng đang được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan từ các FTA. Tuy nhiên, theo đánh giá của WB, việc áp dụng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” đòi hỏi dệt may phải kết hợp chặt chẽ với các trung gian trong TPP. Điều này có thể làm thay đổi các nguồn cung cấp hiện tại và kích thích sự phát triển liên kết nội địa.

Việt Nam cũng là nước xuất khẩu xe máy và các phụ tùng. Đây cũng là ngành được nhận định sẽ có nhiều lợi thế, khi tỷ lệ nội địa hóa khá cao và tăng ở mức từ 10 – 20% mỗi năm trong thời gian qua. Tuy nhiên, với ô tô con thì nhu cầu thấp hơn và thiếu ngành công nghiệp phụ trợ để thúc đẩy phát triển.

Tỷ lệ nội địa hóa của ngành thiết bị vận tải cũng tăng mạnh, khi đạt mức tăng trưởng bình quân lên tới 44%. Ngành này đang nhanh chóng mở rộng ra thị trường quốc tế, và các DN đang tạo ra giá trị thặng dư đáng kể.Cũng sẽ là ngành được nhận định sẽ có nhiều cơ hội khi Việt Nam tham gia vào các FTA.

Việt Nam cũng mới nổi lên trong ngành công nghệ thông tin, liên lạc, khi đây được xem là trung tâm lắp ráp phần cứng lớn trong hơn 5 năm qua. Các tập đoàn toàn cầu trong lĩnh vực này đang có xu hướng đa dạng hóa, thoát khỏi Trung Quốc bằng cách chuyển các cơ sở sản xuất ở những nước khác để ứng phó với rủi ro, chi phí tăng, thị trường ngày càng mở rộng ở các nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của WB, ngành dịch vụ lại chậm phát triển, đang là cản trở cho việc tạo ra giá trị gia tăng nội địa khi tham gia vào chuỗi cung ứng. Trong đó, các dịch vụ hiện đại, bao gồm tài chính, bảo hiểm, thông tin liên lạc, vận tải và logistics đều thiếu hụt tại Việt Nam.

Theo khuyến nghị của WB, thách thức tiếp theo của Việt Nam là tăng cường hoạt động trong chuỗi giá trị ở những ngành có giá trị gia tăng cao hơn; tạo sự liên kết ngược với nhà cung cấp chi tiết.

Đồng thời, cần nâng cao năng suất lao động, cải cách DNNN, thiết lập thị trường hiện đại hơn cho các ngành dịch vụ; cải thiện môi trường đầu tư…

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên