MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank: TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 8 – 10%

Kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tác động của TPP đến kinh tế Việt Nam? Ông Sandeep Mahajan - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

"Nhóm 12 nước trong TPP đóng góp 40% GDP toàn cầu nên Việt Nam sẽ có thị trường rộng hơn. Đây là cơ hội lớn, chúng tôi đã có những dự tính tác động khá tích cực. GDP có thể tăng thêm 8 - 10% đến năm 2030, thậm chí còn nhiều hơn", vị này nói.

Ông Sudhir Shetty - Kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho hay hiện khó có thể trả lời chính xác tác động của hiệp định bởi vòng đàm phán được bảo mật, nhưng về tổng thể thì TPP mang lại nhiều lợi ích, giúp Việt Nam tiếp cận với thị trường vẫn còn đóng.

"Đây là cú hích lớn cho Việt Nam nhưng cũng đem áp lực cho nhà sản xuất. Họ phải cạnh tranh mạnh hơn, nhưng điều này cũng tốt vì sẽ thúc đẩy năng suất lao động. Điều này rất tốt cho Việt Nam trong tăng trưởng dài hạn" - Ông Shetty bình luận.

Theo dự định ban đầu sẽ có một cuộc họp báo diễn ra vào buổi chiều ngày 4/10 (tức rạng sáng 5/10 theo giờ Việt Nam) trong đó các Bộ trưởng sẽ thông báo về một thảo thuận thương mại.

Tuy nhiên thông tin cập nhật mới nhất cho thấy cuộc họp báo đã bị hoãn sang sáng 5/10 theo giờ Altanta, tức chiều nay theo giờ Việt Nam.

Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb cho biết nguyên nhân hoãn họp báo là do các nước khác phải xem lại những điều kiện đã đề xuất về thuốc sinh học . Đồng thời các nhà đàm phán cũng phải chốt lại một vài chi tiết.

Trước đó các quan chức đã rất tự tin sẽ hoàn tất hiệp định thương mại có quá trình đàm phán đã kéo dài tới 5 năm. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cho biết ông đã gọi cho Thủ tướng Shinzo Abe để thông báo rằng thỏa thuận “đang ở trong tầm tay”.

Mỹ yêu cầu thời gian bảo hộ độc quyền lâu hơn, trong khi Australia và 5 nước khác cho rằng chính sách này sẽ gây khó cho ngân sách y tế và khiến người nghèo không thể tiếp cận được với các loại thuốc quan trọng.

Để khuyến khích các hãng dược, Mỹ hiện đang áp dụng mức 12 năm đối với loại thuốc này, điển hình là thuốc trị ung thư Avastin do Roche sản xuất. Australia chỉ áp dụng thời hạn 5 năm.

Đêm hôm qua (4/10) theo giờ Việt Nam, Mỹ và Australia đã đạt được đồng thuận về vấn đề này. Hai nước nhất trí các công ty dược được độc quyền với các dữ liệu sản xuất thuốc trong thời hạn 5 năm, đồng thời có thể kéo dài thêm vài năm đối với các loại thuốc có tính cạnh tranh cao. Trong một số trường hợp khác thời gian bảo hộ có thể lên đến 8 năm.

Thỏa thuận này còn phải được Chile và Peru thông qua.

Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ những tiêu chuẩn này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá thuốc cũng như có phù hợp với các yêu cầu của ngành dược hay không.

Hôm 3/10, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được đồng thuận về ngành ô tô trong các cuộc đàm phán có cả Canada và Mexico tham gia.

Trong khi đó, New Zealand luôn cố gắng bảo vệ ngành xuất khẩu các sản phẩm bơ sữa. New Zealand muốn đảm bảo ngành công nghiệp bơ sữacủa nước này – vốn được dẫn dắt bởi Fonterra là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới – trở thành người chiến thắng khi có thể xâm nhập vào những thị trường như Canada, Mexico, Nhật Bản và Mỹ.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên