XK dệt may 6 tháng đầu năm tăng mạnh, 6 tháng cuối năm hụt đơn hàng có đáng ngại?
Kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm tăng đến 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng tháng 6 đã tăng 22,4% so với tháng 5. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tăng khiến số lượng đơn hàng có giá trị thấp.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan xuất khẩu nhóm hàng dệt may trong tháng 6/2014 đạt hơn 1,89 tỷ USD, tăng 22,4% so với tháng trước, nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng/2014 lên hơn 9,38 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chiếm 13,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm.
Với mức tăng 22,4% so với tháng trước, hàng dệt may trong tháng 6 đã vươn lên dẫn đầu về giá trị xuất khẩu. Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản vẫn là 3 thị trường xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam lớn nhất.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt hơn 4,57 tỷ USD, tăng 15,8%, thị trường này chiếm 48,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; thị trường EU đạt gần 1,49 tỷ USD, tăng 27,7% và chiếm 15,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước; Nhật Bản đạt gần 1,17 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Toàn ngành đã nhập khẩu vải các loại hơn 4,59 tỷ USD trong 6 tháng qua, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu từ: Trung Quốc đạt hơn 2,25 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 49% trong tổng kim ngạch nhập khẩu vải các loại của cả nước; Hàn Quốc đạt kim ngạch hơn 900 triệu USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 19,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu vải từ các thị trường khác như: Đài Loan đạt kim ngạch hơn 694 triệu USD, tăng 15,9%; Nhật Bản đạt kim ngạch gần 263 triệu USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2013;...
Trong kỳ cả nước đã nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da, giày lên mức gần 2,28 tỷ USD, tăng 26,4% so với 6 tháng đầu năm 2013.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tỷ lệ giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm 2014 của ngành ước đạt khoảng 43,8%, giảm tuyệt đối 2,2% so với 6 tháng đầu 2013. Ngành đóng góp khoảng 4,6 tỷ USD vào thặng dư thương mại cả nước.
Chi phí đầu vào tăng, thị trường bão hòa, đơn hàng bị “hụt”
Dẫn lời ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM trong lần trả lời báo chí cho biết: trong 6 tháng đầu năm, xu hướng chuẩn bị cho TPP được đẩy mạnh nên đơn hàng tương đối ổn định. Tuy nhiên, sang quý III năm nay, các doanh nghiệp trong ngành chỉ mới tìm được 50% đơn hàng, rất ít doanh nghiệp có đơn hàng cho quý IV.
Lý giải nguyên do đơn hàng bị “hụt” theo ông Hồng là do chi phí sản xuất tại Việt Nam đang cao hơn Campuchia, Bangladesh, Myanmar khoảng 1,5 lần, nên một số nhà đặt hàng nước ngoài đã chuyển các đơn hàng có giá trị thấp sang các nước nói trên. Riêng những đơn hàng có giá trị từ trung bình cao trở lên, các nhà đặt hàng vẫn chọn Việt Nam làm nơi sản xuất
Ông Hồng cũng cho biết thêm hiện nhu cầu đặt hàng từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, EU và Nhật đang ở trạng thái bão hòa, không có sự tăng trưởng đột biến nên khả năng tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn đáng kể.
Như vậy, chi phí đầu vào tăng, thị trường xuất khẩu chính đang ở trạng thái bão hòa dự báo sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của ngành trong 6 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, điểm sáng trong thời gian tới của ngành là những đơn hàng có giá trị từ trung bình cao trở lên, các nhà đặt hàng vẫn chọn Việt Nam làm nơi sản xuất. Điều này đồng nghĩa, ngành xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ phải tái cấu trúc, tự điều chỉnh để phù hợp theo hướng các đơn hàng có giá trị thấp thâm dụng lao động cao sẽ đưa ra khỏi Việt Nam, trong khi đó việc tiếp tục phát triển các đơn hàng có giá trị trung bình cao trở lên bắt buộc các doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ để đảm bảo mức lợi nhuận chấp nhận được.
Thêm vào đó, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam. Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 tại Hoa Kỳ, sau Trung Quốc, trước Ấn Độ, Indonesia, Mexico và Bangladesh. Với chi phí lương tối thiểu năm 2014 tăng thêm 15%, ngành dệt may Việt Nam vẫn được đánh giá sẽ tăng trưởng mạnh. Bởi mức lương tối thiểu của Indonesia tăng cho năm 2014 trung bình 19%, năm 2013 đã tăng cao 30%; tại Bangladesh, quốc gia đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong xuất khẩu dệt may, mức lương tối thiểu trong thời gian gần đây đã tăng 77%.
Amcham trong bản báo cáo mới nhất của mình dự báo rằng, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2014 sẽ đạt 9,7 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa, giá trị hàng dệt may xuất sang Hoa Kỳ của Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ phải cao hơn 6 tháng đầu năm.
Như vậy, với những thách thức trong 6 tháng cuối năm, biên lợi nhuận của ngành sẽ giảm. Tuy nhiên kỳ vọng lợi nhuận sẽ được bù đắp nhờ doanh số tăng.
>> Tháng 6 chính thức nhập siêu 51 triệu USD, 6 tháng xuất siêu 1,5 tỷ USD
Q. Nguyễn