MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xóa nợ thuế cho DNNN: Đại biểu Quốc hội không đồng tình

Việc xóa nợ thuế cho các DNNN là không công bằng và phủ nhận mọi trách nhiệm của DNNN trong việc sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước.

Trong tờ trình sửa đổi các luật về Thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra, Chính phủ đã đề xuất xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là các DNNN thuộc danh sách cổ phần hóa, giao, bán, sáp nhập, sắp xếp lại.

Không nên tạo tiền lệ xấu

Theo đó, Chính phủ đề xuất xóa nợ cho DNNN thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại, gồm: DNNN sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu theo quy định mà nợ thuế được xóa khi doanh nghiệp có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế của DNNN để giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại DNNN tại thời điểm thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại.

Với DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 01/7/2007. DNNN đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền trước ngày 31/12/2015 còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 01/7/2007.

Đồng tình với đề xuất này của Chính phủ, song báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phùng Quốc Hiển cho rằng chỉ xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với DNNN trong khoảng thời gian được giới hạn trước ngày 31/12/2015, và không nên quy định trong luật thành một chính sách thường xuyên.

“Đây là nội dung mang tính cá biệt, nên đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp của doanh nghiệp nhà nước và bổ sung vào Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nói.

Trong khi đó, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thì cho rằng việc xóa nợ cho DNNN chỉ như một “thủ pháp cho việc đã rồi”, mà không thấy ai có trách nhiệm của DNNN trong việc này.

“Khi xảy ra vấn đề thì chúng ta tìm cách giải quyết theo kiểu hòa cả làng và việc sử dụng tiền bạc của quốc gia như thế này là điều đáng báo động” – Đại biểu Dương Trung Quốc lo ngại.

Cũng với quan điểm không đồng tình xóa nợ thuê cho DNNN, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết trước đây đã có nhiều lần giải quyết công nợ cho DNNN bằng hình thức xóa nợ. Song việc xóa nợ chỉ nên thực hiện với những đối tượng cá biệt, hoạt động mang tính chất công ích, phục vụ theo mục tiêu Chính phủ giao.

“Cần phải giới hạn phạm vi xóa nợ lại, chứ không thể tràn lan. Tức là chỉ xóa nợ cho những DN thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước giao, thì Nhà nước phải có trách nhiệm. Còn về nguyên tắc DNNN hiện nay là công ty trách nhiệm hữu hạn, trừ khoản nợ mà nhà nước bảo lãnh thì khoản nợ khác, anh phải tự trả và thực hiện theo thủ tục phá sản. Hiện nay những quy định như vậy đã có trong tất cả các đề án mà Chính phủ phê duyệt trong từng tổng công ty, DN rồi” – Đại biểu Trần Du Lịch nhìn nhận.

Thiếu bình đẳng và trách nhiệm

Đề xuất xóa nợ thuế cho DNNN cũng nhận được không đồng thuận của những đại biểu Quốc hội là đại diện của DN. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), cho rằng đặt trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, số lượng DN giảm sút từ 600.000 DN xuống còn 400.000 DN, sức cạnh tranh của DN giảm nên rất cần các chính sách hỗ trợ thiết thực.

Đặc biệt, cần tạo ra sân chơi bình đẳng cho DN. Bởi hiện DNNN đã có nhiều lợi thế, so với các DN cổ phần, DN tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn.Đo đó, việc xóa nợ thuế, giảm thuế phải được thực hiện công bằng, bình đẳng với cả DNNN và các DN khác.

Việc xóa nợ thuế cho các DNNN cũng khiến cho các Đại biểu Quốc hội lo ngại về việc truy cứu trách nhiệm của những người sử dụng vốn Nhà nước. Theo Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), nếu xóa nợ thuế không những bỏ qua một nguồn thu lớn cho ngân sách, mà còn không thể làm rõ trách nhiệm của người quản lý DN.

“Xóa nợ tức là “hết trách nhiệm”, “hòa cả làng”. Anh đã được ưu đãi cơ sở vật chất và bây giờ xóa nợ. Vô hình chung mình không cần xem xét trách nhiệm của người quản lý đấy. Anh nào được giao sử dụng nguồn vốn này thì phải làm rõ trách nhiệm, chứ chỉ đợi hưởng lợi của nhà nước mà không đảm bảo nguồn thu, không đóng góp cho nhà nước thì không được” – Đại biểu Bùi Thị An nói.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên