MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu dệt may: Cơ hội từ các hiệp định thương mại

Ngành dệt may Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế, khách đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Đến nay, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng xuất khẩu đến hết quí I năm 2015, thậm chí nhiều đơn vị còn ký được đơn hàng đến giữa năm sau.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững các doanh nghiệp cần có giải pháp chủ động được nguồn nguyên liệu, phụ liệu từ các nhà nhập khẩu.

Từ thành công của năm cũ và những tín hiệu lạc quan trên thị trường, năm nay ngành dệt may Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt từ 28 - 28,5 tỷ USD, cao hơn năm 2014 từ 4 - 4,5 tỷ USD. Theo các chuyên gia kinh tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của ngành dệt may đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2015.

Hàng dệt may Việt Nam hiện đã có “chỗ đứng” tại hầu hết các thị trường trên thế giới. Trong đó, chỉ riêng 3 thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước.Phân tích sâu về cơ hội tại các thị trường chủ lực, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Triển vọng tăng trưởng kim ngạch dệt may tại các thị trường này còn rất lớn. Đơn cử như thị trường EU, đây là thị trường liên tục được mở rộng về quy mô mà Việt Nam cũng mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị nhập khẩu hàng dệt may của thị trường này. Bên cạnh đó, khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, thuế từ 12% về 0% sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường EU. Còn tại thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ mặc dù luôn tăng từ 12 - 13%/năm, nhưng thực tế chỉ mới chiếm khoảng 9% tỷ trọng nhập khẩu của thị trường này.

Tại thị trường Nhật Bản, với mức tiêu thụ hàng may mặc hàng năm lên tới trên 40 tỷ USD, trong đó hơn 95% phụ thuộc vào nhập khẩu, đây là thị trường màu mỡ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Riêng thị trường Nga, hiện mức thuế áp dụng cho hàng dệt may chính ngạch của Việt Nam rất cao và được tính theo trọng lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) được ký kết vào đầu năm 2015 sẽ cải thiện đáng kể chính sách thuế, hải quan và tạo sức hấp dẫn lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định khá lạc quan: Trong nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hàng dệt may đang có đà tăng trưởng và bứt phá ngoạn mục nhờ những FTA đã và sắp ký kết. Thuế xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường có thể giảm về 0% là cơ hội lớn để các nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng tốc trong cuộc đua với nhiều thương hiệu dệt may lớn trên thế giới. Đây chính là sức hút để các nhà nhập khẩu từ các quốc gia khác chuyển dịch đơn hàng về Việt Nam.

Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, thuế từ 12% sẽ về mức 0% sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Tương tự, ưu đãi về thuế do Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cũng là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ khi hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ sẽ giảm dần xuống 0% so với mức 17-18% như hiện nay”, bà Dung phân tích.

Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do được ký kết, bên cạnh cơ hội là những thách thức mà ngành cần phải tập trung giải quyết một số vấn đề. Ví dụ, Hiệp định đối tác kinh tế Thái Bình Dương (TPP) yêu cầu xuất xứ từ sợi, và FTA với EU yêu cầu xuất xứ từ vải, trong khi đó dệt vải vốn chưa phải là thế mạnh của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: 

“Việt Nam cần tiếp tục bứt phá hơn nữa để tiến lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị dệt may thế giới. Một trong những thách thức là khi bán sản phẩm dệt may ra thị trường, các nhà bán lẻ, các nhà nhập khẩu và nhà cung ứng sản xuất phải đáp ứng các qui định pháp lý của quốc gia nhập khẩu như yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quản lý hóa chất, trách nhiệm xã hội, quản lý môi trường… Ngoài ra, tại một số thị trường còn phải đáp ứng các yêu cầu bổ sung như nhãn sinh thái, nhãn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng…”.

Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam:

“Tôi khá tin tưởng về triển vọng nâng cao tính cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam. Hiện chúng ta đã vươn lên vị trí là nhà xuất khẩu lớn thứ hai vào thị trường khó tính là Nhật Bản, đứng sau Trung Quốc. Ðiều này cho thấy dệt may Việt Nam không chỉ cạnh tranh tốt mà còn có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách hàng nước ngoài”.

Theo Lê Nghĩa - Hoàng Dương

PV

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên