MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu mất hơn 3 triệu USD với nông thuỷ sản và khoáng sản

Mức tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,11% và tình hình sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc cho thấy đà tăng của nền kinh tế. Tuy nhiên, với mức sụt giảm của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực và sự đuối sức của khối DN nội địa, đang đặt ra không ít thách thức trong 6 tháng cuối năm.

Với mức tăng 9,6% của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 6 tháng đầu năm 2015, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tỏ ra khá yên tâm khi đây là mức tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014 (5,8%). Cũng bởi, mức tăng của chỉ số IIP khiến cho vị Thứ trưởng có thêm cơ sở để khẳng định: nền kinh tế đang trên đà khởi sắc.

Mừng sản xuất, lo tiêu thụ

Dẫn chứng, hai ngành sắt thép và xi măng đã ghi nhận đà tăng khá ấn tượng. Trong đó, sản xuất thép cán tăng 18,2%; thép thanh tăng 8,8%; với mức tiêu thụ thép trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng khoảng 20%, đạt 5,8 triệu tấn; riêng Tổng Công ty Thép Việt Nam tiêu thụ được 1,8 triệu tấn, tăng 30%. Đối với xi măng, sản xuất 6 tháng đầu năm đạt 32,1 triệu tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2015; mức tiêu thụ của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam tăng khoảng 5%, song tiêu thụ toàn ngành tăng tới 10%.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Đông, đây không chỉ là hai ngành quan trọng trong sản xuất công nghiệp, mà còn là những ngành liên quan đến hoạt động xây dựng, bất động sản. Do đó, mức tăng trưởng khá tích cực của sắt thép và xi măng đã cho thấy, tình hình sản xuất có nhiều khởi sắc trở lại, thị trường bất động sản cũng bắt đầu “ấm” lên khi hoạt động xây dựng nhộn nhịp trở lại do nhu cầu sử dụng sắt thép, xi măng tăng cao.

Tuy nhiên, nếu như sản xuất đang có mức tăng tích cực trở lại thì vấn đề đáng lo ngại nhất được đại diện các bộ ngành đưa ra tại buổi họp giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư sáng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24/6, chính là sự suy giảm của nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực và “sức khoẻ” của khối DN trong nước.

Mặc dù xuất khẩu ghi nhận đà tăng trong 6 tháng đầu năm 2015 với kim ngạch đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014, song theo bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), kết quả đạt được chỉ bằng 47% so với kế hoạch. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay là 10%, sẽ còn cần phải có nhiều cố gắng.

Mất hơn 3 triệu USD với khoáng sản, nông, thuỷ sản

Phân tích rõ hơn, đại diện Bộ Công Thương cho biết, nếu như sản xuất khá thuận lợi thì thị trường tiêu thụ lại gặp khó khăn, do mức tiêu dùng của thế giới chưa hồi phục mạnh mẽ, lại thêm các rào cản nhất định về thị trường.

Đáng chú ý là trong các nhóm hàng xuất khẩu, động lực chính chủ yếu vẫn đến từ các nhóm chế biến chế tạo, trong khi nhóm hàng chủ lực nông, lâm thuỷ sản và khoáng sản giảm.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, mức giá xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thuỷ sản giảm đã khiến cho nhóm này mất khoảng 858 triệu USD; nhóm khoáng sản giảm cả về lượng và trị giá, khiến cho kim ngạch mất khoảng 2,56 triệu USD. Như vậy, tính riêng 2 nhóm này đã khiến cho kim ngạch xuất khẩu mất khoảng 3,1 – 3,2 triệu USD.

“Nguồn cung thế giới tăng trong khi cầu tăng nên càng tạo sức ép cho DN. Nhiều nước xuất khẩu cũng tăng tỷ giá đã đã tạo lợi thế cạnh tranh so với hàng Việt Nam, một số thị trường nhập khẩu lớn như EU cũng giảm tỷ giá, nhà nhập khẩu mua hàng giá cao hơn nên cắt giảm nhu cầu và lượng nhập khẩu giảm.

Thêm vào đó, việc bảo hộ cũng ngày càng tăng, đặc biệt là thuỷ sản vào thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, nên xuất khẩu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm. Trong khi việc quản lý chất lượng nông sản, từ nuôi trồng, sản xuất, chế biến chưa đồng bộ và đảm bảo, thêm yếu tố thời vụ nên xuất khẩu giảm”, bà Hiền phân tích.

Đáng chú ý, trong khi khối DN FDI duy trì mức tăng trưởng tích cực, thì khối DN trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn khi tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục giảm giảm 2,9%, khi chỉ đạt 22,86 tỷ USD. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội bày tỏ lo ngại khi mức tăng trưởng xuất khẩu của thành phố giảm 1,1% trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, giảm mạnh nhất là các lĩnh vực mà khối DN nội địa có thế mạnh như nông sản, thủ công mỹ nghệ… khi chiếm tỷ trọng 30% song mức giảm lên tới 49,5% nên kéo chỉ số chung xuống.

Theo đại diện của các sở ngành tại các đia phương, bên cạnh thống kê số liệu, các Bộ ngành cần có đánh đánh, phân tích tình hình và có những định hướng chính sách cụ thể để đảm bảo chỉ đạo điều hành đến địa phương được thống nhất.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, mặc dù tình hình đã có khởi sắc trở lại, song dự báo trong 6 tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt về sản xuất xuất khẩu nhóm hàng chủ lực nông, lâm, thuỷ sản, sức cạnh tranh của khối DN trong nước.

Do đó, cùng với việc đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã để nâng cao sức cạnh tranh nông dân khi tham gia vào thị trường, sẽ có chủ trương hỗ trợ các DN trong nước, đặc biệt là DN trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, thúc đẩy phát triển sản phẩm để kết nối với các tập đoàn nước ngoài.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên