MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á-Âu cần lưu ý những gì?

FTA Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu mặc dù đã được ký từ cuối tháng 5 vừa qua, tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn của nước Nga như hiện nay, liệu DN Việt kỳ vọng thế nào khi xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Đặng Hoàng Hải. Ảnh: VGP/Phan Trang

Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) - đơn vị tham gia đàm phán Hiệp định - đã có cuộc trao đổi với phóng viên vấn đề nói trên.

Những lợi ích rõ rệt

Xin ông nói rõ thêm về chất lượng của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu (FTA Việt Nam-EAEU)?

Ông Đặng Hoàng Hải: Việc Việt Nam trở thành đối tác ký Hiệp định thương mại tự do đầu tiên với EAEU (gồm các nước: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) mở ra một cơ hội rất lớn cho các DN trong nước. Đây là Hiệp định khá toàn diện, bao quát rất nhiều lĩnh vực (chất lượng hoá thương mại, phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ…); trong đó, hạng mục “Mua sắm Chính phủ” cũng để mở để sau này có thể bổ sung phát triển thêm.

Có thể nói, Hiệp định  mở cửa cho tất cả các hợp tác tiếp theo.

Trước khi tiến hành đàm phán, Việt Nam và Liên minh  Kinh tế Á-Âu đã tiến hành nghiên cứu khả thi trong thời gian khá dài (từ năm 2009 tới năm 2013), sau đó mới khởi động đàm phán. Vì vậy, khi đàm phán hai bên đều thống nhất tập trung tối đa vào những nhóm hàng thật sự có lợi ích cho cả hai bên.

Có thể thấy rõ, Việt Nam đảm bảo được tất cả lợi ích tối đa từ các mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày, thuỷ sản… và cả những mặt hàng tiềm năng như đồ gỗ, hàng điện tử.

Về phía bạn, ta cũng đảm bảo lợi ích như với mặt hàng sắt thép - thế mạnh của EAEU - chúng ta cũng đã bàn bạc rất kĩ với các DN thép để đảm bảo lộ trình.

Ngoài ra, FTA Việt Nam-EAEU là Hiệp định ký ở cấp Nhà nước nhưng Thủ tướng Chính phủ là người trực tiếp ký. Đây cũng thể hiện sự quan tâm rất cao của các cấp lãnh đạo.  Vì thế, Hiệp định chắc chắn sẽ lan toả sau khi có hiệu lực.

Đối với Liên minh Á-Âu, đặc biệt là với nước Nga, chúng ta đã có mối quan hệ hợp tác từ rất nhiều năm. Tuy nhiên, theo ông, sau khi có hiệu lực, Hiệp định này có dẫn đến sự thay đổi nào trong giao thương không?

Ông Đặng Hoàng Hải: Trước đây, cách làm của các nước thuộc EAEU với ta chưa thật minh bạch (chẳng hạn phía bạn tự đi kiểm tra DN khi sang Việt Nam; có trường hợp DN chưa được kiểm tra cũng đưa vào danh sách được xuất khẩu còn DN kiểm tra rồi lại không cho ý kiến tại sao lại không được xuất khẩu...).

Còn lần này, khi đàm phán Hiệp định, chúng tôi đã cố gắng đưa vào chương về Hiệp định SPS (Sanitary and Phytosanitary Measures - quy định việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật) rất rõ ràng, cụ thể.

Tương tự, với lĩnh vực hải quan, thông quan trước đây cũng là vấn đề lớn thì lần này đoàn đàm phán đã bàn bạc rất kĩ. Thậm chí, chúng ta đưa vào nội dung Hiệp định việc sẽ trao đổi thông tin hải quan điện tử thường xuyên. Tức là, bên này cập nhật đơn hàng thì bên kia có thông tin ngay để tránh gian lận thương mại.

Lường trước khó khăn việc thanh toán và khoảng cách địa lí

Việc nước Nga, một nước lớn trong EAEU, đang gặp khó khăn do bị phương Tây cấm vận như hiện nay thì liệu chúng ta có nên kỳ vọng vào xuất khẩu sang thị trường này không thưa ông?

Ông Đặng Hoàng Hải: Các bạn hàng Nga rất mong muốn chúng ta xuất khẩu hàng hóa vì họ cần những mặt hàng giá hợp lý.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Nga đã có quan hệ lâu đời nên việc buôn bán cũng dễ dàng và tin tưởng hơn. Cũng chính vì vậy, các điều kiện thanh toán, đường đi nước bước chúng ta cũng đã rõ hết. Thế nhưng, trong bối cảnh Nga bị cấm vận như hiện nay thì việc thanh toán cũng là mặt hạn chế khi chúng ta phải tìm cách thanh toán bằng nội tệ.

Xin ông cho biết rõ hơn về việc thanh toán bằng nội tệ?

Ông Đặng Hoàng Hải: Hiện nay, các hợp đồng lớn thanh toán theo phương thức L/C bằng đồng USD đang không thực hiện được do việc cấm vận. Vì vậy,  rất nhiều đơn hàng thuỷ sản phải thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt.

Liên quan đến vấn đề này, mặc dù chúng ta có Hiệp định trao đổi ngoại tệ với Nga nhưng chưa đầy đủ về mặt pháp lý nên chưa thể đưa ra nguyên tắc về thanh toán nội tệ, các DN cũng chưa áp dụng được.

Theo tôi biết, hiện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã vào cuộc và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước về việc này. Chắc chắn trong tương lai, chúng ta sẽ phải làm bằng được để hạn chế rủi ro cho DN.

Có cần thiết đào tạo cho DN của ta về vấn đề thanh toán này không, thưa ông?

Ông Đặng Hoàng Hải: Chúng tôi đã tính đến việc mở lớp đào tạo cho DN vì nếu cứ thông tin chung chung thì không hiệu quả. Trong chương trình đào tạo về việc tận dụng tối đa lợi ích của Hiệp định, chúng tôi sẽ đưa thêm mục “Thanh toán” vào để DN thấy rằng nếu thanh toán bằng nội tệ sẽ ít rủi ro hơn.

Lớp học sẽ có những người đã tham gia đàm phán, hiểu sâu về mặt kỹ thuật của Hiệp định như nguyên tắc xuất xứ, hàng rào kĩ thuật, hải quan, kiểm tra chất lượng…. và đặt ra các tình huống, cách giải quyết chứ không làm kiểu hội thảo hay diễn đàn.

Thế còn khó khăn về khoảng cách địa lí, thưa ông?

Ông Đặng Hoàng Hải: Hiện, khoảng cách địa lí đang là bất lợi với DN nước ta. Mặc dù trước đây chúng ta đã có quan hệ buôn bán nhưng giá trị các đơn hàng chưa lớn nên việc vận chuyển vẫn vòng vèo. Ví dụ, đơn hàng dệt may thường phần lớn qua  ngả châu Âu (Hà Lan) rồi từ đó mới sang Nga.

Nay với Hiệp định này, khi giá trị các đơn hàng tăng lên thì không thể làm như vậy được, do chi phí logistic sẽ rất cao. Điều này đòi hỏi DN phải có hệ thống kho hàng, bến bãi để giảm được chi phí vận chuyển.

Theo lộ trình, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu thống nhất phê duyệt Hiệp định trong năm nay. Hai bên cam kết mở cửa thị trường với 9.927 dòng thuế (chiếm 87,4-95,7%). Nhóm không cam kết mở cửa thị trường là 1.433 dòng thuế (chiếm 12,6-4,3%).

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Phan Trang

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên