MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì những lý do này, Hồng Kông chính là nơi có một không hai trên thế giới

25-04-2017 - 09:27 AM | Tài chính quốc tế

Anthony Yeh, giáo sư của ĐH Hồng Kông, từng so sánh nếu coi vùng đồng bằng Châu Giang của Trung Quốc là 1 con rồng thì Hồng Kông chính là “cái đầu đang khạc lửa”. Là nguồn cung cấp vốn cũng như dịch vụ thương mại chính, Hồng Kông chịu trách nhiệm rất lớn cho quá trình phân bổ nguồn lao động cũng như là cửa ngõ kết nối với thế giới.

Ở đài quan sát nằm trên đỉnh tòa nhà Diwang ở Thâm Quyến, bạn có thể nhìn thấy 2 bức tượng sáp có hình dáng ông Đặng Tiểu Bình và bà Margaret Thatcher đang ngồi uống trà với nhau. Đây là tiểu cảnh mô phỏng lại cuộc đàm phán trong đó cố Thủ tướng Anh trao lại đặc khu Hồng Kông cho nhà lãnh đạo Trung Quốc, sự kiện cuối cùng cũng diễn ra năm 1997.

Lúc đó, bà Thatcher đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích ở quê nhà vì trao trả thuộc địa lớn cuối cùng của đế chế Vương quốc Anh cho Trung Quốc. Mối lo ngại lớn hơn là nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường tự do của Hồng Kông có thể không còn được như trước.

Nhưng thực tế cho thấy những người chỉ trích đã đánh giá thấp “người đàn bà thép”. Bà Thatcher đạt được thỏa thuận giúp bảo tồn nhiều điểm đặc biệt của Hồng Kông khi còn là thuộc địa của Anh, và chính điều đó cũng có lợi rất lớn cho vùng đồng bằng Châu Giang (PRD).

Tuyên bố chung Trung - Anh (1997) và Luật Cơ bản của Hồng Kông quy định rằng đặc khu này được hưởng quy chế tự trị cao cho đến năm 2047 - tức là 50 năm sau khi Anh chuyển giao chủ quyền.

Dưới chính sách một quốc gia, hai chế độ, chính quyền trung ương chịu trách nhiệm về mặt quốc phòng và ngoại giao của lãnh thổ, còn Hồng Kông duy trì chế độ chính trị, hệ thống pháp luật, lực lượng cảnh sát, chế độ tiền tệ, chính sách hải quan, chính sách nhập cư, hệ thống xuất bản, báo chí, hệ thống giáo dục của Anh, và các đại biểu trong các tổ chức, đảng phái, và sự kiện quốc tế.

Anthony Yeh, giáo sư của ĐH Hồng Kông, từng so sánh nếu coi vùng PRD là 1 con rồng thì Hồng Kông chính là “cái đầu đang khạc lửa”. Là nguồn cung cấp vốn cũng như dịch vụ thương mại chính cho vùng đồng bằng này, Hồng Kông chịu trách nhiệm rất lớn cho quá trình phân bổ nguồn lao động cũng như là cửa ngõ kết nối với thế giới.

Cần nhớ rằng Hồng Kông chính là nền kinh tế tự do nhất thế giới. Báo cáo mới nhất được nhóm nghiên cứu Mỹ Heritage Foundation công bố hồi tháng 2 cho thấy Hồng Kông đứng số 1 trong bảng xếp hạng dựa trên các yếu tố từ quyền sở hữu đất đai đến mức độ tham nhũng và độ di động của vốn cũng như lao động.

Cam kết tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn kế toán quốc tế giúp Hồng Kông trở thành 1 trung tâm tài chính quốc tế. Các luật sư, kế toán viên và nhân viên ngân hàng của Hồng Kông có thể dễ dàng kết nối người nước ngoài với đối tác Trung Quốc. Các công ty đến từ đại lục chiếm gần một nửa giá trị vốn hóa của sàn chứng khoán Hồng Kông. Thành phố này là trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ ở hải ngoại lớn nhất thế giới, là đường dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào các công ty đại lục.

Những giá trị văn hóa cũng là 1 tài sản đáng giá về mặt kinh tế của Hồng Kông. Đây là trung tâm giao dịch rượu và các tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ toàn cầu. West Kowloon Cultural District đang được xây dựng có thể trở thành trung tâm nghệ thuật có tham vọng lớn nhất kể từ khi Centre Pompidou được xây dựng ở Paris cách đây 40 năm. Hồng Kông sẽ sớm trở thành điểm đến của những người yêu nghệ thuật.

Sự đa dạng trong văn hóa giúp Hồng Kông thu hút được những nhân tài đến từ khắp nơi trên thế giới. Nicholas Yang, Bộ trưởng Bộ sáng tạo của Hồng Kông, cho biết ở thành phố này có gần 2.000 startup và một nửa trong số đó được thành lập bởi những người nước ngoài. Dễ dàng lấy visa, tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, hầu như không có tham nhũng và một nửa dân số thế giới sống ở nơi cách Hồng Kông không đến 5 giờ bay.

Tuy nhiên, trước thềm kỷ niệm 20 năm ngày được trao trả về Trung Quốc (1/7), Hồng Kông lại đang đứng trước nhiều dấu hỏi lớn về tương lai. Một số người dân không hài lòng với chính quyền đại lục, trong khi nền kinh tế đang uể oải. Nếu như 20 năm trước nền kinh tế Hồng Kông đóng góp tới 16% tổng GDP của Trung Quốc, ngày nay con số giảm xuống chỉ còn 3%.

Hồng Kông là “một chiếc màng tinh vi” giúp đại lục “thẩm thấu” các tác động của toàn cầu hóa, theo George Yeo – ông chủ của Kerry Logistics và từng là Bộ trưởng Thương mại Singapore. “Trung Quốc không muốn hoàn toàn hòa nhập với thế giới bởi những khác biệt về chính trị, đó chính là lý do tại sao Hồng Kông có ý nghĩa sống còn đối với tương lai của không chỉ vùng PRD mà là của cả Trung Quốc”.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên