MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Vi phẫu’ – Cơn sốt làm đẹp mới bùng nổ ở Trung Quốc

08-01-2022 - 16:14 PM | Tài chính quốc tế

‘Vi phẫu’ – Cơn sốt làm đẹp mới bùng nổ ở Trung Quốc

Dù là giữa trưa, nhưng tại một khu phố thượng lưu ở Thượng Hài, nhiều người đã tập trung xếp thành hàng dài. Không phải để thưởng thức bữa trưa tại nhà hàng ngon nhất thành phố, mọi người đến đây để làm "vi phẫu" – thủ thuật làm đẹp ngày càng phổ biến ở Trung Quốc.

Theo hãng tin AFP, nâng cơ mặt và nhiều thủ thuật thẩm mỹ y tế khác đang bùng nổ trong bối cảnh một thế hệ người tiêu dùng Trung Quốc đối mặt với áp lực có được ngoại hình đẹp để tự tin xuất hiện trên mạng xã hội cũng như ngoài đời thực.

Kayla Zhang thực sự chưa bao giờ “dao kéo” vì lý do thẩm mỹ, nhưng cô đã điều trị bằng laser, tiêm và cấy chỉ căng da mặt  - thủ thuật trẻ hoá da không cần dao kéo, đưa các sợi chỉ tự tiêu vào dưới bề mặt da và kéo căng lên để nâng mô chảy xệ.

“Tôi không thay đổi mũi hay đôi mắt của mình, đó sẽ là một sự thay đổi lớn về ngoại hình”, cô gái 27 tuổi chia sẻ và nói thêm rằng cô đang tìm kiếm một “phiên bản đẹp hơn” của chính mình thay vì “một khuôn mặt hoàn toàn mới”.

Đã trở nên phổ biến ở phương Tây vì ít xâm lấn hơn và giá cả phải chăng hơn so với phẫu thuật thẩm mỹ truyền thống, các thủ thuật siêu vi - từ chăm sóc da mặt bằng laser, tiêm chất làm đầy đến nâng cơ - đang nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn làm đẹp ở các thành phố của Trung Quốc, nơi nguồn thu nhập của người dân tăng vọt trong thập kỷ qua.

Hiệp hội Phẫu thuật và Thẩm mỹ Trung Quốc ước tính tổng thể, ngành làm đẹp sẽ tăng trưởng 46 tỷ USD trong năm nay so với khoảng 6,5 tỷ USD vào năm 2013. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Frost và Sullivan, các thủ thuật làm đẹp siêu vi hiện là một phân khúc đang mở rộng của thị trường làm đẹp. Trong khi đó, tốc độ phát triển của phẫu thuật truyền thống đang chậm lại.

 ‘Vi phẫu’ – Cơn sốt làm đẹp mới bùng nổ ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh: AFP

Tuy nhiên, sự bùng nổ này đang gặp thách thức lớn trước cuộc đàn áp của chính phủ. Trung Quốc đang đẩy mạnh một chiến dịch rộng rãi nhằm “thanh lọc” các giá trị xã hội, trong đó có cả việc gây áp lực khiến giới trẻ phải phẫu thuật thẩm mỹ.

Chính phủ đã cấm các hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực thẩm mỹ, góp phần gây ra sự lo lắng về ngoại hình. Giới chức đã thu được hàng chục triệu USD tiền phạt trong năm nay vì nhiều hành vi vi phạm khác nhau.

Hàng tháng, người mẫu Li Li đã đi tái tạo bề mặt da bằng tia laser để chỉnh sửa các nhược điểm trên da. Lili thừa nhận cô cảm thấy áp lực khi phải liên tục chỉnh sửa ngoại hình của mình. Sau khi bạn bè cho rằng khuôn mặt của cô không cân đối, cô đã lựa chọn “độn cằm” để sở hữu chiếc cằm hoàn hảo hơn.

Li và Zhang nhấn mạnh rằng các thủ thuật làm đẹp siêu vi – có chi phí trung bình bằng 1/3 giá phẫu thuật thẩm mỹ truyền thống, theo nghiên cứu của Deloitte – là một giải pháp thay thế ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật truyền thống đang bị kỳ thị một cách bất công.

“Trước đây, mọi người đều có chung một tiêu chuẩn về vẻ đẹp, nhưng bây giờ dường như tiêu chuẩn này đã thay đổi”, Zhang nói và cho biết các thủ thuật siêu vi cũng giống với việc chăm sóc da, nhưng có hiệu quả nhanh hơn.

Một thập kỷ trước, bác sĩ thẩm mỹ Yang Kaiyuan cho biết khách hàng thường đến gặp ông cùng hình ảnh của một người nổi tiếng. Họ nói rằng: “Tôi muốn trông như thế này. Ngày nay, mọi người chỉ hy vọng sẽ cải thiện một chút những gì họ đã có”.

 ‘Vi phẫu’ – Cơn sốt làm đẹp mới bùng nổ ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Ảnh: AFP

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đang lo ngại tình trạng các cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép, không được kiểm soát ngày càng gia tăng. Theo iResearch, vào năm 2019, 15% trong số 13.000 bệnh viện thẩm mỹ được cấp phép ở Trung Quốc hoạt động ngoài phạm vi kinh doanh của họ. Bên cạnh đó, chỉ 28% bác sĩ trong ngành được cấp chứng chỉ.

Báo cáo cũng cho biết thêm rằng nhiều cơ sở đang sử dụng các dụng cụ phẫu thuật không đạt tiêu chuẩn. Đầu năm nay, một nữ diễn viên Trung Quốc đã lên mạng chia sẻ những bức ảnh cảnh báo mọi người nên cảnh giác về ca phẫu thuật hỏng khiến mũi của cô bị nhiễm trùng nặng.

Nhưng Ken Huang, Giám đốc điều hành của Bệnh viện thẩm mỹ PhiSkin, cho biết các yếu tố xã hội đang thúc đẩy giới trẻ Trung Quốc tìm cách điều chỉnh việc thẩm mỹ để thăng tiến sự nghiệp hoặc trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội.

“Những người có ngoại hình ưa nhìn sẽ có nhiều cơ hội hơn những người khác. Nếu ngoại hình của bạn không đẹp, cho dù bạn có tính cách thú vị, người ta cũng khó có cơ hội nhìn thấy điều đó”, Huang nói.

Vẫn ở độ tuổi đôi mươi, Zhang cho biết cô đã lựa chọn các thủ thuật vi phẫu hàng tháng và sẽ giữ thói quen này cho đến khi cô cảm thấy ngoại hình khiến cô “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dao kéo”. Cô giải thích: “Sau đó, tôi có thể cần những phương pháp mạnh hơn để có ngoại hình trẻ trung hơn”.

Theo Vân Khánh

Báo tin tức

Trở lên trên