MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao 2 trong 3 cổ đông lớn nhất tại Vinaconex muốn hủy kết quả bầu HĐQT mới?

04-04-2019 - 20:20 PM | Doanh nghiệp

Những quyết định của HĐQT mới và mẫu thuẫn về quy hoạch dự án Splendora có thể là nguyên nhân những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn nhất tại Vinaconex.

Trong diễn biến mới nhất của vụ việc tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex), Tòa án Nhân dân Quận Đống Đa có văn bản bác bỏ đơn khiếu nại của doanh nghiệp về việc hủy quyết định tạm dừng khẩn cấp thực hiện nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 11/1.

Theo Luật sư Lê Thanh Sơn, luật sư bảo vệ quyền lợi của Vinaconex, sau quyết định của tòa, Hội đồng Quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát được bầu mới tại ĐHĐCĐ bất thường bị đình chỉ hoạt động.

Hiện nay, Vinaconex đang hoạt động theo sự điều hành của Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông, đồng thời là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Ông Đông được HĐQT cũ (trước 11/1) bổ nhiệm nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định của tòa.

Vì sao 2 trong 3 cổ đông lớn nhất tại Vinaconex muốn hủy kết quả bầu HĐQT mới? - Ảnh 1.

Ông Đào Ngọc Thanh gặp mặt báo chí chia sẻ thông tin sau sự cố tại Vinaconex. Nguồn: Lê Hải.

Việc tranh chấp tại Vinaconex, một mặt khiến hoạt động của công ty đình trệ (theo như khiếu nại của Công ty), mặt khác người thiệt hại nhiều nhất là các cổ đông.

Kể từ khi TAND quận Đống Đa có quyết định tạm dừng khẩn cấp nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường (ngày 27/3), giá cổ phiếu VCG giảm sàn và hết phiên đóng cửa ngày hôm nay (4/4), giá cổ phiếu VCG giảm gần 12%, tương ứng giá trị vốn hóa giảm hơn 1.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng lưu ý là sự việc tại Vinaconex phát sinh do 2 cổ đông lớn sở hữu gần 30% cổ phần là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ – cổ đông lớn nắm 21,28% vốn, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest giữ 7,57% vốn, cùng 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà có đơn yêu cầu TAND Quận Đống Đa.

Vậy lý do gì để 2 cổ đông có tỷ lệ sở hữu chỉ thua An Quý Hưng đứng ra yêu cầu trong khi trước đó đã hoàn toàn đồng ý với việc bầu thành viên HĐQT cũng như Ban kiểm soát?

Lý do đầu tiên có thể kể tới là theo luật sư Lê Thanh Sơn, trong trường hợp Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 11/1 bị hủy bỏ thì tất cả những nghị quyết cuộc họp, các biên bản cuộc họp của HĐQT do ông Đào Ngọc Thanh làm Chủ tịch kể từ ĐHĐCĐ là vô hiệu.

Điều này đồng nghĩa với quy chế tài chính mới, việc thành lập các công ty con về cơ điện, quản lý khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, quản lý các trường học và chủ trương mua 23,6 triệu cổ phiếu quỹ sẽ vô hiệu nếu nghị quyết ĐHĐCĐ bị hủy bỏ.

Ông Đào Ngọc Thanh, người được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex sau cuộc họp HĐQT mới đầu tiên, cho biết trong cuộc họp HĐQT, nhóm cổ đông Star Invest và Bất động sản Cường Vũ không đồng ý với quy chế tài chính mới. Trước đây, Chủ tịch HĐQT chỉ được quyết định với các giao dịch dưới 5 tỷ đồng, nhưng theo quy chế mới, HĐQT được quyết định với các giao dịch trị giá dưới 35% tổng tài sản công ty. Tuy nhiên, do chỉ chiếm 2/5 lá phiếu, nên quy chế tài chính mới vẫn được thông qua.

Cùng với đó, ông Thanh từng chia sẻ có những lo ngại liên quan đến việc Vinaconex sẽ bán tài sản như trường học, khu công nghiệp… Đồng thời, kế hoạch mua cổ phiếu quỹ của công ty chỉ hướng đến việc bảo toàn lợi ích và giá trị cho cổ đông và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm tới ngày công bố chủ trương mua cổ phiếu quỹ, giá cổ phiếu tăng gần 27%.

Mâu thuẫn tại Splendora

Splendora là dự án có tổng diện tích 264,13ha, trong đó giai đoạn 1 đã thực hiện gần 47ha. Hơn 200ha còn lại của giai đoạn 2 đã được đóng đầy đủ tiền đất và sẵn sàng triển khai. Dự án do Vinaconex và Bất động sản Phú Long – doanh nghiệp thành viên của Sovico Holding thuộc sở hữu tỷ phú Vietjet, Nguyễn Thị Phương Thảo, phân chia nắm 50% vốn.

Một lãnh đạo của Vinaconex từng chia sẻ với Người Đồng Hành, lô đất tại Splendora có thể bán với giá 55 triệu đồng/m2. Ước tính nếu hoàn thành, toàn bộ dự án có thể mang về 12.000 tỷ đồng cho Vinaconex. Có thể nói sức hấp dẫn của Splendora là một trong những nguyên nhân khiến An Quý Hưng, Cường Vũ và Star Invest đầu tư mua cổ phần Vinaconex.

Vì sao 2 trong 3 cổ đông lớn nhất tại Vinaconex muốn hủy kết quả bầu HĐQT mới? - Ảnh 2.

Phối cảnh dự án Spendora. Nguồn: Vinaconex

Tuy nhiên, với tỷ lệ sở hữu quá bán, An Quý Hưng sẽ có tiếng nói đại diện cho Vinaconex tại dự án này.

Cá nhân Nguyễn Quang Trung, 1 trong 4 cá nhân gửi đơn kiện hiện là Phó Tổng giám đốc Địa ốc Phú Long, cũng là người đại diện của Bất động sản Cường Vũ tham gia HĐQT của Vinaconex.

Theo chia sẻ của ông Dương Văn Mậu, Phó Tổng giám đốc Vinaconex, Splendora vẫn chưa thể triển khai do những ý kiến khác nhau trong việc quy hoạch dự án. Theo phương án phê duyệt cuối năm 2017, dự án có hạng mục hồ nằm ở trung tâm rộng khoảng 18ha.

"Hiện có 2 ý tưởng triển khai liên quan đến hạng mục hồ này", ông Mậu cho biết. Nhóm cổ đông An Quý Hưng muốn thực hiện theo quy hoạch được duyệt, triển khai xây dựng khu đô thị. Quá trình triển khai cần điều chỉnh cục bộ ở điểm nào sẽ xin ý kiến cơ quan quản lý sau. Nhóm còn lại có ý kiến điều chỉnh quy hoạch theo hướng đào hồ ở sau những dãy biệt thự, uốn quanh nhà để tối ưu hóa mặt hồ, tăng giá trị khi bán.

Cũng theo ông Mậu, sau khi tham khảo ý kiến Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND TP Hà Nội, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ với khu An Khánh trong phát triển Hà Nội đến năm 2050 là có quy hoạch hồ trung tâm, "vì vậy không dễ thay đổi". Bên cạnh đó, hồ 18 ha ở trung tâm dự án có vai trò điều tiết lưu lượng nước cho xung quanh khu vực hầm chui An Khánh nên khó điều chỉnh.

Phó Tổng giám đốc Vinaconex cũng đề xuất nhóm điều chỉnh quy hoạch, xây dựng phương án tài chính chi tiết để so sánh, xem xét tính hiệu quả.

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch An Khánh JVC, từng đứng ra triệu tập họp HĐQT để thống nhất triển khai dự án, nhưng nhóm còn lại không tham dự dẫn đến, quá trình bị đình trệ.

Vì sao 2 trong 3 cổ đông lớn nhất tại Vinaconex muốn hủy kết quả bầu HĐQT mới? - Ảnh 4.

Dự án có thể mang về 12.000 tỷ đồng cho Vinaconex. Ảnh minh họa.


Trong khi Cường Vũ mua 21,3% vốn Vinaconex từ Viettel với giá hơn 21.300 đồng/cp và Star Invest mua 7,57% vốn từ Pyn Elite Fund với giá 25.000 đồng/cp, An Quý Hưng là nhà đầu tư trả cao nhất cho mỗi cổ phần với giá 28.900 đồng để có 57,71% vốn từ SCIC.

Với số tiền 7.400 tỷ đồng chi mua cổ phần Vinaconex, nhưng theo thông tin công bố, An Quý Hưng có vốn điều lệ 500 tỷ đồng do ông Đông nắm 70% vốn và vợ (Đỗ Thị Thanh) nắm 30% vốn. Tổng tài sản đến cuối 2017 gần 1.000 tỷ đồng với 55% là tài sản ngắn hạn.

Theo Lê Hải

Người đồng hành

Trở lên trên