Vì sao Angola rời OPEC?
Angola tuyên bố sẽ rời Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sau 16 năm vì mâu thuẫn về hạn ngạch sản xuất dầu.
- 23-12-2023Tỷ phú tặng gì cho nhau trong dịp lễ hội: Món quà đắt giá nhất khiến ai cũng bất ngờ
- 23-12-2023Theo chiến lược "mua tin đồn, bán tin tức", giá bitcoin có thể tiếp tục bật tăng trong năm tới vì điều này
- 23-12-2023‘Vận đen’ không hồi kết của Elon Musk: Tesla tiếp tục thu hồi hàng trăm nghìn xe, lỗi chồng lỗi
Angola tuyên bố sẽ rời Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sau 16 năm vì mâu thuẫn về hạn ngạch sản xuất dầu, giữa lúc nhóm này đang cố gắng giữ giá dầu toàn cầu ở mức cao.
Quyết định của Angola nhằm phản ứng trước việc OPEC yêu cầu chính quyền Luanda giảm sản lượng dầu cho phù hợp với năng lực sản xuất ngày một suy yếu của nước này. Sự ra đi của Angola sẽ thu hẹp OPEC xuống còn 12 quốc gia vào thời điểm nhóm này đang chật vật đẩy giá dầu lên cao, sau khi giá dầu giảm gần 20% trong 3 tháng qua.
Ông Diamantino Azevedo - Bộ trưởng Tài nguyên và Dầu mỏ Angola cho biết, sau khi cân nhắc, Angola nhận thấy tư cách thành viên OPEC không còn phục vụ lợi ích của quốc gia châu Phi này.
“Chúng tôi cảm thấy tại thời điểm hiện tại, Angola chẳng thu được gì khi ở lại và để bảo vệ lợi ích của mình, chúng tôi quyết định rời đi”, tuyên bố của văn phòng Tổng thống Angola dẫn lời ông Azevedo.
Văn phòng Tổng thống Angola cho biết, quyết định rời OPEC được đưa ra tại cuộc họp nội các do Tổng thống Joao Lourenco chủ trì tại thủ đô Luanda. Sau cuộc họp, ông Lourenco đã ký sắc lệnh cho phép Angola rời nhóm.
Bộ trưởng Azevedo nói với truyền hình nhà nước TPA rằng, Angola không hài lòng với quyết định tháng trước của OPEC về cắt giảm thêm sản lượng năm tới nhằm ổn định giá dầu vốn trải qua nhiều biến động.
Theo Bloomberg, động thái của Angola làm giá dầu thô suy yếu trong thời gian ngắn, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ quốc gia này hoặc toàn bộ OPEC. Giá dầu thô Brent kỳ hạn ban đầu đã giảm 2,4% sau thông tin trên. Song, sau đó, giá dầu đã phục hồi một phần và giao dịch với mức gần 79 USD/thùng.
Mâu thuẫn giữa Angola với lãnh đạo OPEC nổi lên vào tháng 6, khi một thỏa thuận cho phép Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng sản lượng dầu nhưng lại buộc Luanda giảm sản lượng cho năm 2024. Lý do là năng lực sản xuất của Angola đã suy yếu.
Từng là nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi, Angola đã chứng kiến sản lượng giảm khoảng 40% trong 8 năm qua, xuống còn khoảng 1,14 triệu thùng/ngày. Theo Bloomberg, lý do là nước này không đầu tư đủ vào các mỏ dầu nước sâu, cũ kỹ.
Quyết định của Angola được cho là chỉ mang tính biểu tượng vì sản lượng của nước này có thể sẽ tiếp tục giảm. Song, động thái ấy cho thấy mối quan hệ của Angola với giới lãnh đạo OPEC đã tan vỡ.
Angola gia nhập OPEC năm 2007, sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong khi tổng sản lượng toàn nhóm là 28 triệu thùng. Xuất khẩu dầu là huyết mạch kinh tế của Angola, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Giá dầu thô đã giảm gần 2%, khi giới phân tích cho rằng quyết định rời OPEC của Angola đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết của tổ chức này. OPEC chưa bình luận về quyết định của Angola.
Được thành lập năm 1960, tổ chức gồm 13 thành viên năm 2006 đã hợp tác với 10 nhà sản xuất khác để thành lập OPEC+. Trước Angola, một số thành viên khác đã rời OPEC trong những năm gần đây vì nhiều lý do, gồm Qatar, Indonesia và gần nhất là Ecuador.
Theo Bloomberg, Nigeria cũng có bất đồng tương tự về hạn ngạch với OPEC nhưng có vẻ đã được xoa dịu. Vì thế, việc Angola rời khỏi nhóm hiện có vẻ chỉ là trường hợp cá biệt.
Giáo dục và Thời đại