MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao các tổ chức tài chính dừng giải ngân vốn Nhiệt điện Thái Bình 2?

14-03-2019 - 13:59 PM | Tài chính - ngân hàng

Các bên cho vay dừng giải ngân để làm rõ các nội dung như chậm tiến độ; sai phạm của các cá nhân tại PVN, Ban Quản lý dự án và PVC có liên quan và năng lực của tổng thầu PVC.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thành khoảng 83% tổng khối lượng các hạng mục xây dựng, lắp đặt thiết bị chính nhưng ngày chính thức vận hành, hoạt động vẫn bỏ ngỏ. Mục tiêu là đưa dự án vào vận hành năm 2020, tuy nhiên còn nhiều khó khăn trong đó đặc biệt và vấn đề tài chính cho các hạng mục còn lại, do từ tháng 9/2018, các ngân hàng đã tạm ngừng giải ngân nguồn vốn vay. Hiện tại, PVN đã chủ động bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn vốn chủ sở hữu, nhưng cũng chỉ là tạm thời và mang tính “nhỏ giọt”.

Dự án cũng đã ký hợp đồng vay vốn các tổ chức tài chính nước ngoài với giá trị 937,14 triệu USD. Tính đến ngày 31/12/2018, đã giải ngân được 610,32 triệu USD. Phần còn lại chưa được giải ngân là 326,83 triệu USD và đã hết hạn giải ngân vào ngày 28/9/2018.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, việc không thể giải ngân tiếp vốn vay là do các các bên cho vay dừng giải ngân để làm rõ các nội dung như chậm tiến độ Dự án, chậm thanh toán; sai phạm của các cá nhân tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam , Ban Quản lý dự án và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) có liên quan và năng lực của tổng thầu PVC trong triển khai Dự án.

Được biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và các bên cho vay để xin gia hạn thời gian giải ngân vốn vay tới ngày 31/12/2021 - tiến độ điều chỉnh cập nhật mới của Dự án. Dù chưa có phản hồi chính thức, nhưng theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam , các ngân hàng nước ngoài cam kết tiếp tục giải ngân các khoản vay theo hợp đồng đã ký, nếu được Bộ Tài chính chấp thuận gia hạn giải ngân phù hợp với tiến độ điều chỉnh của Dự án.

Đối với phần vay trong nước số tiền 4.600 tỷ đồng từ 4 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank), sau khi đàm phán điều kiện vay, xin phê duyệt cho vay vượt hạn mức, vẫn không thể triển khai được vì các ngân hàng này đưa lý do Ngân hàng Nhà nước đề nghị thẩm định lại dự án, thẩm định năng lực của nhà thầu EPC và cần xin phép Thủ tướng…

Việc tìm hướng vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng gặp khó khăn, do Dự án không thuộc Danh mục Cấp tín dụng Nhà nước theo quy định tại Nghị định 32/2017/NĐ-CP. Ngay cả việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam  định thu xếp vốn từ nguồn trái phiếu trong nước hoặc khoản vay SACE không có bảo lãnh của Chính phủ cũng gặp khó khăn, bởi không được cấp có thẩm quyền xem xét, chấp nhận.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình mới đây liên quan đến tiến độ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là một dự án lớn, có công suất 1.200 MW. Dự án này do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư, hiện mới đạt khoảng 83% khối lượng, tiến độ.

"Không có lý do gì chúng ta lại để thất thoát tài sản, thất thoát nguồn lực đầu tư lớn như vậy, nhất là khi Dự án có điều kiện để hoàn thành", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. Để khắc phục, Bộ trưởng cho rằng cần sự phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, với các Bộ, ngành liên quan và địa phương.

Theo Bảo Vy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên