"Vì sao chúng ta phải sống?" và 3 đáp án khiến nhiều người phải tự ngẫm lại mình
Cả 3 đáp án đưa ra đều chưa đúng và đó là lý do khiến con người sống mà không tìm thấy niềm vui.
- 24-05-2020Cảm thấy cuộc đời nhiều xui xẻo, chàng thanh niên xin lời khuyên của vị sư già và nhận được câu trả lời đáng ngẫm: Ghi nhớ 2 điều này, may mắn sẽ đến tự nhiên!
- 20-05-2020"Đầu, mắt, mũi, miệng... dùng để làm gì?" và đáp án đáng ngẫm khiến nhiều người tự xem lại bản thân
- 01-04-2020Tự cách ly phòng dịch Covid-19 và câu chuyện "sống chậm lại, nghĩ khác đi, học hỏi nhiều hơn" đáng suy ngẫm của nữ CEO
Có một ngày nọ, Vô Đức thiền sư đang làm cỏ ở trong vườn, bỗng có 3 tín đồ bước đến trước mặt ông kính cẩn hỏi:
"Mọi người đều nói Phật giáo có thể xóa bỏ mọi khổ đau trong cuộc sống, chúng con đã tin vào Phật nhiều năm như vậy nhưng tại sao lại không hề cảm thấy có niềm vui?"
Vô Đức thiền sư bỏ cái cuốc trên tay xuống, điềm tĩnh nhìn họ và đáp: "Muốn vui vẻ vốn không hề khó, trước tiên các con hãy làm rõ cho ta một vấn đề là vì sao chúng ta phải sống?"
3 tín đồ nhìn nhau ngỡ ngàng, không ngờ rằng thiền sư sẽ đặt ra câu hỏi ngược cho mình.
Sau một hồi, người thứ nhất nói: "Con người không thể chết, bởi vì cái chết quá đáng sợ, cho nên mới phải sống".
Người thứ hai tiếp lời: "Con hiện tại đang dốc hết sức để làm việc, mục đích chính là để cho gia đình, con cái có một cuộc sống ấm no đầy đủ và khi già đi có thể tận hưởng cuộc sống an nhàn không lo toan".
Đến lượt người thứ ba: "Tôi không hi vọng, mong muốn nhiều như anh, chỉ là tôi nhất định phải sống để chăm sóc người thân của tôi."
Nghe xong, Vô Đức thiền sư cười và nói với cả 3 người: "Chẳng trách các con không tìm thấy niềm vui, thứ các con nghĩ đến chỉ là cái chết, tuổi già và bị ép phải dùng sức lao động, chứ không phải là lý tưởng, niềm tin và tinh thần trách nhiệm.
Cuộc sống mà thiếu đi lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm thì chắc chắn chỉ có sự chán nản mệt mỏi mà thôi".
Các tín đồ không tán thành với ý kiến của Thiền sư: "Lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm, nghĩ đến thì rất dễ dàng, nhưng nó làm sao có thể khiến chúng ta no bụng!".
Vô Đức thiền sư từ tốn đáp: "Vậy các con nói xem, có được thứ gì thì mới gọi là có niềm vui?".
Người thứ nhất nhanh nhảu đáp: "Có danh tiếng thì sẽ có tất cả, lúc ấy ắt sẽ có niềm vui".
Người thứ hai: "Có tình yêu thì mới có được niềm vui".
Người thứ ba lại cho rằng: "Có tiền thì mới có được niềm vui".
"Vậy ta có một câu hỏi, vì sao người có danh tiếng lại hay phiền não, người có tình yêu thì lại thường đau khổ, còn người có tiền lại nhiều nỗi âu lo?"
Thiền sư lại đặt ra câu hỏi cho họ, nhưng cả 3 tín đồ đều không biết phải trả lời thế nào.
Vô Đức thiền sư nói tiếp: "Lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm không phải là thứ gì đó trống rỗng, mà nó hiện hữu mỗi giờ mỗi khắc trong cuộc sống con người. Phải thay đổi quan niệm và thái độ sống thì cuộc sống của chúng ta mới có thể thay đổi.
Danh dự chỉ khi đem ra phục vụ đại chúng, mới có thể có được niềm vui. Tình yêu chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết cho đi, biết nghĩ cho người khác. Tiền chỉ có giá trị khi chúng ta dùng nó giúp đỡ những người gặp khó khăn, có như vậy mới thực sự là niềm vui của cuộc sống.
Lời bình
Có những người nhiều năm tin vào phật pháp nhưng tại sao vẫn cảm thấy buồn phiền? Phải chăng trong cuộc sống để có được niềm vui lại khó khăn đến thế?
Tất cả mọi thứ trên thế gian này đều chỉ là hư vô, thay vì cố chấp theo đuổi hạnh phúc ngắn ngủi mong manh đó, chi bằng hãy theo đuổi niềm vui hoan hỷ vĩnh hằng.
Có thể nhìn thấu được chân tướng của cuộc sống, dù là giàu sang hay nghèo hèn, dù là được hay mất, chỉ cần tin vạn sự tùy duyên thì ắt hẳn sẽ khiến bản thân buông bỏ được những vướng bận trong lòng, từ đó tìm được niềm vui thực sự.
Trí thức trẻ