Vì sao có người kiếm được bộn tiền từ cổ phiếu penny, người lại thua lỗ nặng nề?
Lao theo sóng penny của thị trường, nhà đầu tư cần tỉnh táo để không bị mắc kẹt lại trong bẫy tăng giá vì cái cuối cùng của đầu tư là chốt được lãi chứ không phải danh mục tăng bao nhiêu.
Kể từ đầu năm 2017 tới nay, TTCK Việt Nam đã có những diễn biến hết sức tích cực với sự tăng trưởng gần 10% của chỉ số VnIndex. Sự tăng trưởng của thị trường không chỉ đến từ nhóm Bluechips mà các cổ phiếu penny cũng có sự bứt phá ấn tượng.
Có nhà đầu tư đã "ăn" bằng lần khi chọn cổ phiếu penny chứ không phải bằng những con số % nhỏ nhoi mà bluechips mang lại.
Say trong chiến thắng, nhà đầu tư nhất quyết phải lưu tâm những điểm sau.
Vì sao cổ phiếu "bị gọi" là penny?
Hãy nhớ lần giở lại lịch sử khi chọn cổ phiếu để đầu tư.
Penny là đồng xu, mà đồng xu thường có giá trị rất nhỏ. Dân đầu tư chứng khoán dùng từ pennies như một thói quen để chỉ những cổ phiếu có thị giá nhỏ, những doanh nghiệp vốn hóa chẳng là bao trên thị trường. Nói dễ hiểu, nó thường dùng để chỉ những gì nhỏ so với thị trường chung.
Nhiều doanh nghiệp niêm yết bị mất sức cạnh tranh suốt thời gian dài, kết quả kinh doanh yếu kém, cổ phiếu của họ cũng từ đó mà giảm sức hấp dẫn trên thị trường chứng khoán mấy năm ròng. Quy luật cung-cầu trên thị trường đã định giá cổ phiếu như vậy, thuận mua-vừa bán.
Nói dễ hiểu ra, khi nhà đầu tư thuận bán, thuận mua 1 cổ phiếu ở mức giá thấp thì trong mắt họ, giá trị doanh nghiệp cũng chỉ đạt ở mức đó. Cổ phiếu pennies thường được tạo ra trong quá trình xuống dốc thực sự của doanh nghiệp và nó phản ánh quá trình này.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa người kiếm được bộn tiền và người thua lỗ từ cổ phiếu penny
Từ mấy chục nghìn đồng, cổ phiếu rơi dần, rơi dần xuống mức vài nghìn đồng/cổ phiếu. Quá trình xuống dốc đó thường khá dài, tính bằng năm đối với những doanh nghiệp xuống dốc từ từ và xuống đột ngột đối với những doanh nghiệp như cái cây rỗng ruột khi tăng trưởng không bền vững.
Khi cổ phiếu xuống thấp, thường thì nó ở dưới mức giá thấp 1 thời gian rất dài có thể vài năm, dăm năm...tùy từng doanh nghiệp.
Đột nhiên, penny tỉnh giấc.
Quá trình đi xuống và thành penny thì dường như là giống nhau nhưng không phải mọi cổ phiếu penny đều giống nhau. Mỗi doanh nghiệp một khác và biến động giá cổ phiếu lại càng khác nhau. Và đây là điều khác nhau căn bản của những người kiếm được tiền từ penny và những người thua lỗ nặng nề cũng từ dòng cổ phiếu này.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa người kiếm được bộn tiền từ penny và người bị thua đau đó là: Người kiếm được bộn tiền họ nắm được những cổ phiếu của doanh nghiệp hồi sinh còn những người thua đau là những người chỉ biết lao theo sóng penny của thị trường mà không biết doanh nghiệp làm ăn thế nào.
Nghe thì có vẻ lý thuyết nhưng thực chất, khi tất cả penny đều tăng giá, không phải ai đầu tư cũng kiếm được tiền. Cái cuối cùng của đầu tư là chốt được lãi chứ không phải danh mục trong ngắn hạn tăng bao nhiêu.
Thực tế cho thấy, khó khăn không tồn tại mãi mãi. Và, với mỗi doanh nghiệp, khó khăn lại có đặc thù rất riêng. Có doanh nghiệp lao đao vì vấn đề nhân sự, có doanh nghiệp lại khốn khổ vì tài chính, có doanh nghiệp vì điều kiện kinh doanh thay đổi, có doanh nghiệp gặp khó vì cạnh tranh, có doanh nghiệp thì khó vì điều kiện tự nhiên không thuận lợi...
Khi gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ tạm thời bị "yếu" đi và cổ phiếu thường phản ứng nhanh hơn thực tế sự yếu đi đó của doanh nghiệp. Thế nên, những nhà đầu tư giỏi, nhìn nhận được cơ hội phục hồi của doanh nghiệp, đầu tư cổ phiếu từ khi còn penny sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Cổ phiếu tăng bằng lần là điều cực kỳ dễ hiểu.
Nói như thế để thấy rằng, không phải penny nào cũng giống nhau cả. Có những doanh nghiệp chưa qua giai đoạn gian khó và tất nhiên, đầu tư vào những cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng giống như bạn mua rủi ro hồi phục hay không hồi phục của doanh nghiệp. Hoặc, có thể doanh nghiệp sẽ phục hồi nhưng thời điểm mua của bạn đã chuẩn hay chưa lại là chuyện hoàn toàn khác.
Khi thị trường chứng khoán đang hưng phấn và sóng penny trỗi dậy, nhà đầu tư thường quên mất rằng penny tuy tên gọi chung giống nhau nhưng thực sự, ẩn đằng sau đó là những cơ hội hay rủi ro hoàn toàn khác nhau.
Trong cơn say của thị trường, nhiều cổ phiếu nhất là những cổ phiếu “ruồi” cũng tận dụng cơ hội tăng mà không kèm theo kết quả kinh doanh tăng trưởng hay cơ hội phục hồi của doanh nghiệp. Lao theo penny và sóng của thị trường, nhà đầu tư cần tỉnh táo để không bị mắc kẹt lại trong bẫy tăng giá vì cái cuối cùng của đầu tư là chốt được lãi chứ không phải danh mục tăng bao nhiêu.